Tìm kiếm

Tài nguyên - Môi trường

Tài nguyên - Môi trường

Thành phố Hưng Yên: Gần 1,3 nghìn người tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 15.7, Ban Chỉ đạo diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Hưng Yên tổ chức diễn tập PCTT và TKCN năm 2022. Dự và chỉ đạo diễn tập có đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo diễn tập PCTT và TKCN thành phố Hưng Yên năm 2022. Cùng dự có đồng chí Phạm Huy Bình, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hưng Yên.

Các đại biểu tham dự cuộc diễn tập
Phát biểu chỉ đạo diễn tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh, mục đích cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hạn chế thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, giáo dục ý thức chủ động phòng, tránh sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão, lũ xảy ra. Cuộc diễn tập PCTT và TKCN thành phố Hưng Yên năm 2022 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm. Thời gian qua, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban đạo diễn và khung tập thành phố Hưng Yên đã khắc phục khó khăn, khẩn trương hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị diễn tập.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo, Khung diễn tập PCTT - TKCN thành phố Hưng Yên phát huy tốt kết quả công tác chuẩn bị, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia diễn tập. 


Nội dung diễn tập gồm 2 giai đoạn, 4 vấn đề huấn luyện. Trong đó giai đoạn 1 diễn tập vận hành cơ chế, với nội dung: Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; họp khẩn triển khai kế hoạch điều chỉnh xử trí tình huống PCTT-TKCN trên địa bàn. 


Sau khi hoàn thành diễn tập giai đoạn 1 tại trụ sở HĐND - UBND thành phố, giai đoạn 2 diễn tập thực binh được triển khai tại khu vực phường Minh Khai với nội dung: Thực hành sơ tán Nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm; thực hành tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông. Tổng lực lượng tham gia diễn tập có gần 1,3 nghìn người.


Cuộc diễn tập được tổ chức bảo đảm đầy đủ nội dung, đúng kịch bản, đúng thời gian, an toàn về lực lượng, đạt được mục đích và yêu cầu đề ra.


Phát biểu bế mạc diễn tập, đồng chí Bí thư Thành ủy Hưng Yên Phạm Huy Bình biểu dương các lực lượng tham gia diễn tập, đồng thời khẳng định, thông qua diễn tập thành phố Hưng Yên sẽ kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung kế hoạch, phương án để chủ động đối phó và kịp thời xử lý tốt các tình huống do bão, lũ, thiên tai có thể xảy ra.


Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện diễn tập PCTT và TKCN thành phố Hưng Yên năm 2022.


Vi Ngoan

Đề phòng dông, sét trong mùa mưa bão

Thời gian qua, ở một số địa phương xảy ra mưa dông kèm sét, gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình, cơn mưa to kèm dông, sét ngày 12.5 tại tỉnh Thái Bình đã làm 3 người tử vong khi trên đường di chuyển về nhà; 229 con lợn của 1 trang trại chăn nuôi bị chết. Tại Hưng Yên, trận mưa lớn kèm dông, sét ngày 12.5 đã khiến 1 người dân ở xã Lệ Xá (Tiên Lữ) tử vong khi đang làm đồng… Do đó, người dân cần chủ động đề phòng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
 

 
Cán bộ Đài khí tượng thủy văn Hưng Yên thu thập thông tin dữ liệu thủy văn
 

Sét là một hiện tượng thiên nhiên, được hình thành bởi sự tích tụ điện và phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hay giữa các đám mây mang điện tích trái dấu, tạo nên hiện tượng sét. Sét có thể đánh vào bất kỳ đâu, bất kỳ đối tượng hoặc vật thể nào khi có đủ các yếu tố hình thành nên sét. Ngoài ra, sét còn có khả năng phát ra tia lửa và dòng điện gây chết người hoặc bị thương, cháy nhà cửa, làm đổ cây cối, hư hại tài sản… Sét thường xuất hiện trước, trong, sau cơn mưa. Mặc dù sét đánh rất nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, chưa áp dụng các biện pháp phòng tránh. Chị Nguyễn Thị Thơm, xã Đặng Lễ ( Ân Thi ) cho biết: Năm 2021, trước sự ra đi của người thân trong gia đình do bị sét đánh, tôi mới hiểu được những nguy hiểm của thời tiết cực đoan gây ra, từ đó thay đổi suy nghĩ, chủ động có biện pháp bảo vệ bản thân khi làm việc ngoài trời mà gặp mưa, dông, sét.


Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 25 đợt sét lớn, nhỏ, gây thiệt hại cho viễn thông Hưng Yên trên 1,93 tỷ đồng; dông, lốc đã khiến cho 63ha chuối tại huyện Kim Động bị thiệt hại…


Sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo, việc chủ động tìm nơi an toàn, đề phòng, tránh sét khi gặp trời mưa dông sẽ làm giảm khả năng bị sét đánh và tránh được những tổn thương về sức khỏe. Theo đó, khi trời sắp dông, nếu không kịp tìm nơi trú ẩn an toàn, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh xa vật dụng kim loại, không đứng thành từng nhóm mà nên đứng riêng lẻ. Không nên ở gần những nơi ẩm ướt và có nước, nên tìm nơi khô ráo, bằng phẳng, nhón chụm hai chân, tay bịt tai và không nằm xuống đất, bảo đảm phần tiếp xúc giữa người với mặt đất ít nhất. Khi mưa dông, nếu đang tham gia các môn thể thao có sử dụng kim loại cần phải bỏ dụng cụ đó ra xa người. Nếu ở trong nhà, nên đứng tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như: buồng tắm, bể nước, vòi nước. Tránh xa các đường dây điện…


Đồng chí Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng có nhiều diễn biến bất thường không theo quy luật, xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan như: Lốc, sét, mưa đá. Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh thiên tai, sở thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết để chủ động các phương án phòng, tránh, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp như: Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên tu sửa, chằng chống nhà cửa, sử dụng các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có dông, lốc xoáy. Cùng với đó, khuyến cáo người dân chủ động chặt tỉa cành cây cao, dễ gãy đổ, cây gần nhà ở, lưới điện; thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích trong mùa mưa bão. 


Hoa Phương

Trồng “Hàng cây quân dân” mừng Đảng mừng xuân Nhâm Dần 2022 tại xã Bảo Kh

Ngày 11/02, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức trồng “Hàng cây quân dân” tại xã Bảo Khê. Đến dự có các đồng chí: Quách Thị Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại tá Đoàn Huy Thái - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; đồng chí Lương Công Chanh - Phó bí thư Thường trực thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Phạm Quốc Hoàn - Ủy viên BTV thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố.

Mô hình “Hàng cây quân dân” được hình thành từ vài năm trở lại đây là sự phối hợp giữa Bộ CHQS tỉnh với Hội Nông dân nhằm lan tỏa về ý thức bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững trong cộng đồng. Ghi nhận đây là hành động thiết thực góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương phát triển hài hòa, bền vững; góp phần tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm, tác động tốt đến công tác vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường sinh thái. “Hàng cây quân dân” trồng tại Bảo Khê gồm 125 cây hoa ban Tây Bắc, được trồng trên đoạn đường trước cửa UBND xã Bảo Khê, thuộc Thôn Đoàn Thượng và thôn Cao.

Các đại biểu tham gia trông "Hàng cây quân dân" tại xã Bảo Khê

Phát biểu tại buổi trồng cây, đồng chí Quách Thị Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu các cơ sở được tiếp nhận hàng cây, căn cứ vào quy hoạch của địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, tổ chức trồng và chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế; đồng thời tổ chức trồng hoa, cây cảnh ở đường làng, ngõ xóm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường nhằm cải thiện môi trường sinh thái, làm cho cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bảo Khê

                                                   Minh Trang (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)

Đẩy nhanh tiến độ lấy nước đổ ải vụ xuân

Từ ngày 15.1, các hồ thủy điện bắt đầu xả nước đợt 2 cho các tỉnh khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện vận hành phát điện gia tăng trước thời điểm lấy nước khoảng 2 - 3 ngày để bảo đảm mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì trung bình từ 1,9 m trở lên.

 

Đợt 2 sẽ kết thúc vào ngày 22.1, đây là đợt lấy nước trọng tâm phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2021 - 2022, dòng chảy hệ thống sông sẽ được duy trì tốt nhất theo năng lực phát điện để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi lấy nước. Bám sát lịch xả nước, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương và đơn vị thủy nông đã tập trung nhân lực trực vận hành máy bơm để lấy nước đổ ải vụ xuân. 
 

 
Nông dân huyện Phù Cừ khẩn trương tiến hành làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân
 
Những ngày qua, các địa phương trên địa bàn huyện Kim Động đã tích cực phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kim Động phân công lực lượng trực gác tại các trạm bơm để vận hành bơm nước đổ ải bảo đảm kế hoạch đề ra. Bà Ngô Thị Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kim Động cho biết: Để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ xuân và tích trữ nước vào các sông trục, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tiếp theo, từ ngày 3.1, một số trạm bơm trên địa bàn huyện đã tranh thủ nguồn nước để bơm đổ ải. Theo kế hoạch gieo cấy của huyện, diện tích cần bơm nước đổ ải là 3,4 nghìn ha, đồng thời phấn đấu hoàn thành kế hoạch bơm nước đổ ải trong đợt 2; hoàn thành bơm tích trữ nước vào sông trục, kênh mương trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đến ngày 19.1, xí nghiệp đang vận hành 29 trạm bơm với 38 máy bơm hoạt động; diện tích đổ ải được hơn 2,5 nghìn ha, đạt 75% kế hoạch.

Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy 3,5 nghìn ha lúa. Để chủ động nguồn nước cho sản xuất, huyện chỉ đạo các xã tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch cây vụ đông hiện đang canh tác trên diện tích cấy lúa để có mặt bằng đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân; tích cực kiểm tra đồng ruộng, vận động nông dân tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa nhằm chống thất thoát nước mặt ruộng; đổ ải đến đâu huy động phương tiện làm đất ngay đến đó để giữ nước mặt ruộng. Đến ngày 19.1, toàn huyện đang vận hành 43 trạm bơm với 58 máy bơm hoạt động, diện tích đổ ải đạt hơn 39,4% kế hoạch. 

Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh, đến 7 giờ ngày 19.1, mực nước tại các cống Xuân Quan, Kênh Cầu, Võng Phan… đều bảo đảm cho việc lấy nước đổ ải. Đến ngày 19.1, toàn tỉnh đã vận hành 254 trạm bơm với 327 máy bơm hoạt động; diện tích đổ ải được 11,7 nghìn ha, đạt 43,7% kế hoạch. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch lấy nước đổ ải trong đợt 2 phục vụ gieo cấy lúa xuân; đồng thời hoàn thành lấy nước tích trữ vào các sông trục, kênh mương trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị: Các địa phương khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch rau màu vụ đông trồng trên đất lúa; các địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị thủy nông để bơm nước đổ ải. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo dõi sát mực nước trên hệ thống sông trục, kênh mương, ngay khi đủ điều kiện phải tổ chức vận hành tối đa công suất các trạm bơm lấy nước đưa lên mặt ruộng để nông dân kịp thời làm đất. Khai thác hiệu quả cống Võng Phan, cống Triều Dương lấy nước từ sông Luộc để cấp nguồn cho các trạm bơm vận hành đổ ải cho khu vực phía Đông Nam của các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ. Các địa phương có diện tích đổ ải còn thấp như các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Ân Thi… cần đẩy nhanh tiến độ lấy nước, phấn đấu hoàn thành lấy nước đổ ải trong đợt 2. Trường hợp cần thiết phải khẩn trương lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến để chủ động bảo đảm việc lấy nước đổ ải. Các đơn vị thủy nông, địa phương và nông dân tích cực kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, hoành triệt các cống tiêu nước ra sông ngoài, quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ, thất thoát gây lãng phí nước; điều hành lấy nước khoa học, hiệu quả. Đề nghị Công ty Điện lực Hưng Yên cấp điện cho các trạm bơm tham gia hoạt động bơm lấy nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng điện và thời gian 24h/24h.
 

 

Nguồn tin: baohungyen.vn

Khánh thành mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên

Sáng 6/1, UBND thành phố Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên. Dự lễ khánh thành có đồng chí: Đặng Ngọc Quỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Phạm Huy Bìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hưng Yên; đồng chí Doãn Quốc Hoàn – Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban quản lý dự án nguồn vốn ODA thành phố. Cùng dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ thành ùy, lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố. Về phía nhà tài trợ có bà Kim Tea Hwa – Trưởng đại diện Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Việt Nam.

Các đại biểu dự lễ Khánh thành mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên

Mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên được xây dựng từ năm 2017, sau một thời gian thi công và vận hành thử nghiệm đến nay công trình đã hoàn thành và bảo đảm các yêu cầu để đi vào hoạt động. Đây là một hợp phần trong dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các đô thị Việt Trì – Hưng Yên – Đồng Đăng. Hợp phần được đầu tư trên cơ sở nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank). Tổng mức đầu tư theo dự toán đã được UBND tỉnh phê duyệt là 374 tỷ đồng, do UBND thành phố Hưng Yên làm chủ đầu tư, Công ty TNHH xây dựng Hanbaek (Hàn Quốc) là nhà thầu xây lắp chính. Công trình có tổng công suất xử lý nước thải 6,3 nghìn m3/ngày đêm bao gồm khu xử lý có diện tích 6,7 ha, 18,22km tuyến cống thu gom nước thải, 4 trạm bơm tăng áp, 815 mét đường giao thông vào trạm xử lý nước thải. Trong đó, khu vực xây dựng trạm xử lý nước thải thuộc địa phận xã Bảo Khê, các tuyến cống thu gom và trạm bơm nước thải được xây dựng trên địa phận các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Minh Khai, Hồng Châu, Hiến Nam và An Tảo của thành phố Hưng Yên. Tổng số hộ dân được hưởng lợi từ dự án khoảng 6.232 hộ. Công nghệ xử lý tại hệ thống là hồ sinh học phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, chi phí xây dựng, quản lý thấp.

Các đại biểu cắt băng khánh thành mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên

Đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định dự án mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên đi vào hoạt động sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của tỉnh Hưng Yên nói chung và thành phố Hưng Yên nói riêng. Đồng chí yêu cầu thành phố Hưng Yên cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ quản lý có năng lực để vận hành hệ thống; thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra hệ thống để tránh những rủi ro, sự cố và hư hỏng trong quá trình vận hành, đặc biệt là theo dõi các thông số kỹ thuật, các sự cố thường xảy ra đối với hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm việc xả thải đạt tiêu chuẩn; quan tâm để cán bộ quản lý, vận hành được tiếp tục tập huấn, học tập kinh nghiệm, cập nhật, bổ sung các kỹ thuật, phương thức mới, bảo đảm duy trì hoạt động của hệ thống ở trạng thái tốt nhất./.

Một số hình ảnh các đại biểu tham quan thực tế mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải Hưng Yên

                          Nguyễn Hồng – Xuân Điệu (Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)

Bản tin mưa lớn tỉnh Hưng Yên

Hiện nay (24/9), dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13,0-16,0 độ Vĩ Bắc nối với vùng thấp suy yếu từ cơn bão số 6. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây hình thành vùng hội tụ gió trên cao trên khu vực Bắc Bộ.

Dự báo: Do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới phía Tây kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ hôm nay (24/9) đến khoảng ngày 26/9, khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, lượng mưa cả đợt phổ biến 50-100mm, có nơi lớn hơn.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và gió giật mạnh: Cấp 1.

BẢN TIN DỰ BÁO MƯA DÔNG TỈNH HƯNG YÊN

Hiện nay (17/9), áp cao cận nhiệt đới đang suy yếu và rút dần ra phía Đông. Hội tụ gió trên cao lên đến 5000m hình thành trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Dự báo: Do ảnh hưởng của rìa Tây áp cao cận nhiệt đới suy yếu, sau tăng cường và lấn về phía Tây kết hợp với hội tụ gió lên đến 5000m nên từ đêm nay (17/9) đến ngày 20/9 khu vực tỉnh Hưng Yên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và gió giật mạnh: Cấp 1.

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm