Tìm kiếm

An sinh xã hội

An sinh xã hội

Những đối tượng nào được tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/7/2023?

Bạn đọc hỏi: Từ ngày 1/7/2023, bên cạnh chính sách tăng lương cơ sở, các chính sách về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người nghỉ hưu có được tăng không? Và nhóm đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?

Trả lời:

Ngày 11/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, quyết nghị nhiều phương án liên quan đến lương cơ sở 2023, chính sách lương hưu, bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cụ thể, từ ngày 1/7/2023, tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với mức tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.


Với nội dung này, đối chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, mức hưởng lương được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Còn đối với nhóm đối tượng người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016 thì mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, nghĩa là lương cơ sở tăng thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng từ 1/7/2023.

Như vậy, đối với nhóm đối tượng người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo.

 

XM/Báo Tin tức

Giá xăng, dầu liên tiếp giảm, cước vận tải vẫn chưa giảm?!

Sau thời gian liên tục tăng cao, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn không giảm giá cước.
Theo khảo sát của phóng viên, khi giá xăng tăng lên mức 30.000 - 32.000 đồng/lít, nhiều DN vận tải đã tăng giá cước để bù lỗ. Tuy nhiên, sau 6 lần điều chỉnh, mặc dù giá xăng, dầu hiện tại đã giảm hơn 20% so với cách đây hơn một tháng, nhưng nhiều DN vẫn "án binh bất động" giá cước. Nhiều ý kiến người dân, khách hàng cho rằng, các DN vận tải cần điều chỉnh giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường.

 

Hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố Hưng Yên
Hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố Hưng Yên


Tại các bến xe của tỉnh, giá vé một số tuyến xe khách cố định được các nhà xe niêm yết giữ nguyên như thời điểm trước đây hơn một tháng. Các tuyến Hưng Yên – Hà Nội, giá vé niêm yết là 70.000 đồng/lượt; tuyến Hà Nội – Hải Dương 40.000 đồng/lượt; tuyến Hưng Yên – Sơn La 390.000 đồng/lượt. Bên cạnh đó, giá cước cũng được nhiều hãng taxi giữ nguyên sau khi tăng từ đầu tháng 7.2022. Điển hình như Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ Trường Hải tại Hưng Yên (Văn Lâm) vẫn đang niêm yết giá cước vận tải như trước khi xăng, dầu chưa giảm giá, cụ thể, giá mở cửa là 20.000 đồng, từ km tiếp theo đến km thứ 25 có giá từ 15.000 đến 19.500 đồng/km (tùy loại xe) và từ km 26 trở đi có giá từ 13.000 đến 17.500 đồng/km (tùy loại xe)… Điều này có nghĩa, dù giá xăng, dầu đã giảm tới hơn 20%, nhưng giá cước vận tải hành khách vẫn không hề giảm.
Theo tổng hợp của Sở Giao thông vận tải, trong giai đoạn xăng, dầu liên tục tăng giá, trên địa bàn tỉnh có 13 đơn vị vận tải điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển hành khách với mức tăng 10 – 20% đối với các tuyến cố định; 6 – 10% đối với xe taxi. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào báo cáo điều chỉnh giảm giá. Lý giải cho việc giá cước vận tải không giảm theo giá xăng, dầu, một số DN cho rằng, mức tăng giá cước không nhiều, thêm vào đó, loại hình kinh doanh vận tải hành khách sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng. Do đó, việc chưa giảm giá ở thời điểm này cũng là để bù lỗ cho DN… Ông Đặng Văn Bộ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thành Công Hồ Tùng Mậu (Ân Thi), đơn vị khai thác vận tải hành khách tuyến Hưng Yên – Hà Nội cho biết: Giá xăng, dầu tăng cao trùng với thời điểm các DN vận tải bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng nhiều tới đà phục hồi của các DN. Trong khi đó, các DN gặp nhiều khó khăn do lượng khách đi xe sụt giảm và sự phát triển của các loại hình xe ghép, xe đi chung trên địa bàn. Do đó, khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao, các DN vận tải vẫn phải cố gắng cầm cự, cân đối thu – chi để duy trì hoạt động. Khi không thể bù lỗ giá nhiên liệu, nhân công, bến bãi... các nhà xe mới điều chỉnh tăng nhẹ giá vé.
Trước việc xăng, dầu giảm giá, nhiều người dân thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải đã kỳ vọng cước vận tải sẽ giảm theo. Bà Nguyễn Thị Tuyết ở thành phố Hưng Yên cho biết: Tôi thường xuyên phải đi xe khách từ Hưng Yên lên Sơn La để lấy hàng. Trước dịch Covid-19, giá cước mỗi lượt là 305.000 đồng, sau này tăng lên 390.000 đồng. Mỗi lần đi như thế, chi phí bỏ ra cho đi lại gần 1 triệu đồng, có tháng đi tới 2 lần, nên nếu các DN giảm giá cước xuống như trước dịch, thì mỗi tháng, chi phí đi lại của tôi sẽ giảm.
Đồng chí Nguyễn Đức Đoàn, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của các DN vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá cước phù hợp với biến động của những yếu tố đầu vào, nhất là chi phí xăng, dầu. Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các DN vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng, dầu đã giảm sâu so với cách đây hơn một tháng. Cụ thể, các DN vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, doanh nghiệp taxi khẩn trương lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định. DN cố tình tăng giá cước vận chuyển hành khách sẽ bị đình chỉ tuyến chạy...
Qua tìm hiểu của phóng viên, DN vận tải hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, mới niêm yết giá cước để hành khách biết. Tuy nhiên, do quy trình đăng ký điều chỉnh giá cước vận tải mất nhiều thời gian, nên nhiều DN vận tải thường chây ỳ điều chỉnh nếu không phải trong tình huống bất khả kháng. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh giá cước khá lâu, nên nhiều DN vận tải chưa kịp điều chỉnh cước khi giá, giá xăng, dầu đã biến động tăng hoặc giảm mạnh, khiến việc điều chỉnh không theo sát được với diễn biến thực tế trên thị trường. 

 


Phạm Đăng

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đến 40 triệu đồng xây nhà mới

Tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới gồm: chưa có nhà/có nhà nhưng nhà ở không bền chắc; diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chính sách khác.
 

 

Từ 15/8/2022, chính sách mới liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được chính thức áp dụng theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng.


Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa.


Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương./.

 


Theo TTXVN

Khám sàng lọc, tầm soát bệnh lý tim mạch và phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh

Ngày 29.7, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 2678/KH-LĐTBXH tổ chức chương trình khám sàng lọc, tầm soát bệnh lý tim mạch và phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2022. 


Đối tượng khám sàng lọc là trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi nghi bị bệnh tim bẩm sinh, có thể có các triệu chứng, biểu hiện như: Thường hay bị ho, khò khè tái đi tái lại nhiều lần; thở khác thường; trẻ hay bị viêm phổi, viêm phế quản; trẻ có biểu hiện bú chậm hoặc không thể chấm dứt bữa bú; thở nhanh, hay toát mồ hôi, đặc biệt sau các bữa bú; trẻ chậm lớn, da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt; môi, lưỡi, đầu ngón tay tím xanh; hụt hơi khi gắng sức... Trẻ đã được bác sĩ tại các cơ sở y tế phát hiện/nghi vấn mắc tim bẩm sinh. Trẻ đã được phẫu thuật tim. Các trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh đã có chỉ định phẫu thuật của các bệnh viện nhưng chưa được phẫu thuật.


Đối tượng hỗ trợ phẫu thuật tim (trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi) bị bệnh tim bẩm sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật sau khi trừ chi phí do bảo hiểm y tế chi trả. Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được chương trình hướng dẫn làm thủ tục xin hỗ trợ từ tổ chức VinaCapital Foundation (Tổ chức VCF) – Chương trình nhịp tim Việt Nam và các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.


Theo kế hoạch, thời gian khám sàng lọc vào ngày 27.8 tại các điểm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện: Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi; khám vào ngày 28.8 tại các điểm: Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Trung tâm Y tế các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu.


Thu Yến

Hưng Yên: Trên 36 nghìn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 36.000 người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; 95.531 người thuộc hộ làm nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ BHYT.


Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay, có trên  26.000 nghìn lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền trên 44 tỷ đồng; 39.449 lượt người thuộc hộ làm nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT với tổng số tiền trên 36,519 tỷ đồng.


Cùng với đó, Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh thực hiện hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho 232 lượt người nghèo điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng.


Thu Yến

Hưng Yên: Phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.190 người lao động

Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định số 08); Kế hoạch số 93/KH-UBND, ngày 19.5.2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 (Kế hoạch số 93), đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.190 người lao động với tổng số tiền gần 1 tỷ 253 triệu đồng. Trong đó, huyện Văn Lâm có 2.035 người lao động được phê duyệt hỗ trợ; số còn lại là người lao động ở các huyện: Yên Mỹ, Phù Cừ, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên.


Thu Yến

Đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Ngày 29.7.2022 UBND tỉnh ban hành văn bản số 1968/UBND-KGVX về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4718/VPCP-KTTH ngày 27.7.2022 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg); UBND tỉnh chỉ đạo như sau:


1. UBND huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương hoàn thiện và nộp hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg; tổ chức thẩm định bảo đảm tiến độ, yêu cầu đề ra, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.


2. Sở Tài chính chủ trì, hướng dẫn các địa phương thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được phê duyệt theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, không được để chậm trễ.


3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 19.5.2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

PV

Xác nhận, ban hành quyết định thực hiện các chế độ, chính sách cho trên 74.000 trường hợp người có công và thân nhân của người có công với cách mạng

Theo tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã xác nhận, ban hành quyết định thực hiện các chế độ, chính sách cho trên 74.000 trường hợp là người có công và thân nhân của người có công với cách mạng. Trong đó, có 16.300 người được hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ; 13.000 người được hưởng chế độ mai táng phí; cấp bảo hiểm y tế cho 24.000 người theo quy định; xác nhận mới trên 2,1 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng; giải quyết cho 815 thân nhân hưởng chế độ tuất từ trần, 250 thân nhân hưởng ưu đãi giáo dục, 300 trường hợp được chỉnh hình, phục hồi chức năng; cấp lại 1.100 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại khoảng 2.500 giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh…


Thu Yến

Toàn tỉnh có gần 14 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh có 13.966 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2022; trong đó có 13.642 thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến (chiếm tỷ lệ 97,7%). Toàn tỉnh có 2.041 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp; 11.300 thí sinh thi tốt nghiệp và xét đại học, cao đẳng; 625 thí sinh chỉ xét đại học, cao đẳng. 


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi; thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do sở Giáo dục và Đào tạo quy định.


Vũ Huế

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Hà Nội) triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế qua căn cước công dân ngay từ ngày đầu. (Ảnh TRUNG TÂM)
 

Thực hiện Quyết định số 06/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, để tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa  bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tới các cơ sở y tế và bảo hiểm xã hội các địa phương...


Ngày 1/3/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 533/BHXH-CSYT gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân  gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay, bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp các sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã sẵn sàng cho công tác triển khai thí điểm.


Tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đi khám, chữa bệnh


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngay khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thí điểm dùng căn cước công dân tích hợp dữ liệu để thay thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, ngành y tế và Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp triển khai thực hiện đến mạng lưới khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn địa bàn. Các cơ sở khám, chữa bệnh nhanh chóng được hướng dẫn để thực hiện, được Sở Y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội giám sát hoạt động này. Tuy nhiên, do nhiều người dân vẫn chưa được cấp căn cước công dân, nên mạng lưới khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn vẫn thực hiện song song các hình thức đã có trước đó, như đăng ký khám với thẻ bảo hiểm y tế giấy hoặc sử dụng ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số.


Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, với việc tích hợp này, người bệnh có bảo hiểm y tế khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ cần sử dụng căn cước công dân là có thể làm thủ tục khám, chữa bệnh. Ðồng thời, bảo hiểm xã hội các địa phương cũng phối hợp cùng ngành y tế hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia bảo hiểm y tế trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh để không xảy ra hiện tượng từ chối khám, chữa bệnh khi người dân cung cấp căn cước công dân gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu  quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Ðể việc thí điểm được nhanh chóng triển khai, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðến nay, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành giải pháp và triển khai thành công việc đồng bộ 36 triệu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân chỉ cần sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi khám, chữa bệnh.


Góp phần xây dựng chính phủ số, mang tiện ích cho người dân


Ðể triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...


Có thể thấy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QÐ-TTg, việc Bộ Công an, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhanh chóng phối hợp tổ chức triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có bảo hiểm y tế về các thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh được tiết giảm tối đa, nhất là bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Ðồng thời, việc các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh.


Tại Công văn số 533/BHXH-CSYT ngày 1/3 vừa qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tập trung truyền thông rộng rãi đến người tham gia bảo hiểm y tế về việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.


Ðồng thời lưu ý, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện, người bệnh đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Trường hợp người bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện được việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VNEID.


Theo nhandan.com.vn

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm