Tìm kiếm

Y Tế

Y Tế

Quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

 

Quyet liet thuc hien cac giai phap bao dam thuoc, trang thiet bi y te hinh anh 1

(Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ)

 

Sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế

Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ như sau:

"Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu, như sau:

a) Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 05 tháng 11 năm 2022: thực hiện theo thời hạn của hợp đồng.

b) Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 05 tháng 11 năm 2022: thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua."

Cũng theo Nghị quyết 30/NQ-CP, trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất quy định tại khoản này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023

Nghị quyết 30/NQ-CP nêu rõ, cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, cụ thể như sau:

a) Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định tại điểm b khoản này.

 

Quyet liet thuc hien cac giai phap bao dam thuoc, trang thiet bi y te hinh anh 2

Nhân viên y tế làm công tác cấp phát thuốc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

b) Chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây:

- Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong các hình thức sau đây:

Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (sau đây gọi chung là nhà phân phối) cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.

- Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá;

- Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.

c) Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.

Cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Quý 2/2023, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế

Về trách nhiệm của các bộ, ngành, Nghị quyết nêu rõ:

Bộ Y tế có trách nhiệm:

Xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế: Hoàn thành trong Quý II năm 2023;

Sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Hoàn thành trong Quý III năm 2023;

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung: Hoàn thành trong Quý III năm 2023;

Xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng: Hoàn thành trong quý 3/2023;

Rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định: Hoàn thành trong quý 2/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

Khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền;

Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Bộ Tài chính có trách nhiệm khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết tại các bộ, ngành, địa phương./.

 

(Vietnam+)

Ai không nên uống nước lá vối?

Nước lá vối tuy tốt nhưng không phải ai cũng có thể uống được.
Vối là một loại cây trồng phổ biến ở nước ta. Các bộ phận của cây vối như nụ vối, lá vối được người dân tận dụng nấu nước uống hàng ngày để giải khát cũng như điều trị một số loại bệnh. 

 
 
Nước lá vối tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng uống được. Nước lá vối có tác dụng gì?
Lá vối tươi giúp điều trị tiểu đường
Để giúp điều trị bệnh tiểu đường, hãy sắc lấy nước lá vối khoảng 10 - 20g lá, chia thành 3 lần uống mỗi ngày. Bạn có thể sử dụng nụ vối thay cho lá để tăng thêm hiệu quả điều trị, cách pha chế tương tự như nước lá vối tươi.


Phòng chống và cải thiện bệnh gout
Uống nước lá vối được sắc mỗi ngày giúp tiêu tan đáng kể khoáng chất uric có trong cơ thể. Từ đó giảm hẳn nguy cơ hình thành bệnh gout. Tuy nhiên tác dụng của lá vối tươi chỉ giúp hỗ trợ điều trị chứ không thể nào chữa khỏi tận gốc bệnh gout.


Uống nước lá vối chữa đầy bụng, khó tiêu
Trong nước lá vối tươi có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, kèm theo đó là hoạt chất tanin chống oxy hóa và chống viêm rất tốt. Do vậy khi bạn bị đầy bụng, khó tiêu có thể uống nước lá vối để giảm bớt tình trạng khó chịu.


Nước lá vối giúp giải độc gan
Sử dụng lá vối để sắc nước uống như uống trà hàng ngày sẽ giúp cơ thể giải độc, thanh lọc gan thận. Từ đó sẽ giúp bạn giải khát, lợi tiểu tốt hơn, các chất độc sẽ được đào thải qua cơ quan bài tiết.


Ngoài ra, nước lá vối còn có tác dụng giải độc gan hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ gây suy nhược cơ thể. Tuy nhiên để dùng nước lá vối chữa bệnh gan nhiễm mỡ, người dân cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.


Ai không nên uống nước lá vối?
Tuy nước lá vối rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống được loại nước này. Dưới đây là những người không nên uống nước lá vối:


- Người quá gầy hoặc sức khỏe suy nhược không nên uống nước vối, bởi nước vối có tính chất kiểm soát lượng đường trong máu, lại giúp giảm cân.
- Phụ nữ có thai không nên uống nước vối quá đặc, quá nhiều vì ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, bài tiết.


- Mọi người không nên uống nước vối ngay sau bữa ăn, vì điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.


- Trẻ em không nên uống nhiều nước vối.


- Người đang mất ngủ, hay bị rối loạn giấc ngủ cũng không nên uống nhiều nước vối.


- Người đang trong quá trình điều trị bệnh, đang dùng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn uống nước lá vối.


- Theo các chuyên gia, người dân nên uống nước từ lá vối khô, hạn chế dùng lá vối tươi vì chứa chất kháng khuẩn, kháng viêm, có thể gián tiếp tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây nên tình trạng hao huyết./.

 


Theo Vov.vn

Thời tiết nồm ẩm, trẻ hen phế quản cần lưu ý gì điều gì?

Gia đình cần bảo đảm chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh việc lên cơn hen cấp ở trẻ. 

 

Bệnh nhi đang được điều trị lọc máu tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Bệnh nhi đang được điều trị lọc máu tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

 

Hen phế quản trẻ em là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt phế quản, phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở. Bệnh hen nếu không được quản lý có thể gây nên các cơn hen cấp nguy hiểm.

Ngày 15/1, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 16 tuổi nhập viện trong tình trạng ngừng tim do lên cơn hen cấp.

Bệnh nhi N.P.A (15 tuổi, Thái Bình) được bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, tuy nhiên trẻ không điều trị dự phòng. Năm 2019, trẻ đến khám lại 1 lần ở Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ được đo chức năng hô hấp, thực hiện test lẩy da với các dị nguyên hô hấp và chẩn đoán xác định trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát. Các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.

Một tuần trước, trẻ ho nặng kèm theo khó thở, tuy nhiên chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp. Tuy nhiên, cơn hen cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung ventoline.

Ngày 15/1, trong cơn hen phế quản cấp không được điều trị bởi bác sĩ, trẻ đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng.

Bệnh nhi được chuyển đến Khoa điều trị tích cực Nội khoa, mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu, kiểm soát hạ thân nhiệt chủ động, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.

Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA).

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quỳnh Chi, Trưởng Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với mỗi bệnh nhi, các bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho người bệnh theo giai đoạn và tình trạng bệnh.

Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen, đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp.

Mọi người có thể giúp con mình tránh khỏi nguy hiểm, bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống của bé nếu chăm sóc đúng cách.

Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.

Để đạt được kiểm soát thật tốt bệnh hen cha mẹ nên giúp con tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn hen cấp và giữ chức năng phổi tốt.

Cần bảo đảm chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ. Ngoài ra cha mẹ cũng cần biết cách xử trí khi con lên cơn hen cấp và đưa trẻ tái khám sớm hơn để được các bác sĩ đánh giá lại.

 

Theo Báo Nhân Dân

Các dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết, cúm... được kiểm soát tốt, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về tình hình công tác y tế trong dịp Tết nguyên đán (20/1 đến 26/1), về công tác khám, cấp cứu 6 ngày Tết Quý Mão 2023, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; có trên 144.000 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại (trong đó có 3.627 ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu); có 2.337 người bệnh tử vong.


Các cơ sở y tế đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 18.020 trẻ chào đời; cho xuất viện trên 112.000 người bệnh, chuyển viện gần 14.000 người; vận chuyển gần 8.000 lượt người bệnh bằng xe cứu thương bệnh viện.


Tổng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đến ngày 26/1 là 116.648 người. So với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông tăng 15,6%; số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 3,6%.


Số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%. Số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%.


Số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau cũng tăng 0,7%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%.


Theo Bộ Y tế, số ca khám, cấp cứu tai nạn do sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%.


Tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ: có 403 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 139 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022 (264 ca); không có ca tử vong. Có 34 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong.


Tai nạn do đánh nhau, cả nước có 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau và đã có 10 trường hợp tử vong.


Ngoài ra, nước ta ghi nhận 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, trong đó 19 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, có 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).


Về phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 20/1 đến 26/1, cả nước có 66 trường hợp mắc tại 20 tỉnh, thành phố và không ca tử vong.
Đến nay, cả nước có 11.526.348 ca mắc; 10.612414 người khỏi bệnh (chiếm 92% số mắc) và 43.186 ca tử vong.
Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh khác cũng đang được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cụ thể từ ngày 20-25/1, về đậu mùa khỉ, không ghi nhận trường hợp mắc. Đến nay cả nước có 2 ca mắc bệnh này, là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được quản lý kịp thời ngay khi về nước.


Sốt xuất huyết thêm 869 trường hợp mắc mới. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 6.639 ca mắc; không có trường hợp tử vong, không xuất hiện ổ dịch bùng phát tại cộng đồng.


Tay chân miệng ghi nhận 85 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 782 trường hợp mắc, không trường hợp tử vong, không có ổ dịch bùng phát tại cộng đồng.


Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay có 5 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; không ghi nhận trường hợp tử vong.

Về tình hình cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, tính đến ngày 26/1, chưa ghi nhận thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc.


Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ Y tế triển khai luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ cũng tiếp tục triển khai các biện pháp từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí bảo hiểm xã hội. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.


Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của SARS-CoV-2.

 


Theo nhandan.vn

Tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023

Ngày 13/1, UBND tỉnh ban hành Công văn số 99/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023. Nội dung như sau:


Thực hiện Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023; Thông báo số 29/TB-BYT ngày 9/1/2023 và Công văn số 155/BYT- DP ngày 11/1/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:


1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung sau:


- Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động giao thương, du lịch và mùa lễ hội đầu năm 2023, vừa bảo đảm phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả; đồng thời tiếp tục thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.


- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/12/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 30/12/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; các công văn chỉ đạo, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.


- Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và lưu thông hàng hóa trong thời gian Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm để người dân được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh; đồng thời tiếp tục bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.


2. Sở Y tế thực hiện:


- Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bảo đảm chủ động, sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh; thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.


- Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là với dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa đông xuân; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong, đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.


- Tập trung chỉ đạo và tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; thường xuyên rà soát để bảo đảm các nhóm nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch... được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.


- Tiếp tục bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.


- Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các địa phương có người thân từ nước ngoài về ăn Tết, đi du lịch để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường;


- Chủ động, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.


3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân theo hướng dẫn của ngành chức năng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động, sự kiện dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2023 bảo đảm công tác phòng, chống dịch.


4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh Truyền hình Hưng Yên phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thông tin truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn, rửa tay sạch...; thực hiện nghiêm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao.


5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:


- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc trên địa bàn huy động đối tượng, thúc đẩy việc tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo đúng kế hoạch, hoàn thành việc tiêm vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ và chỉ tiêu tại Thông báo số 451/TB-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh; cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch... trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, các khu đông dân cư, khu vực trọng điểm du lịch.


- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật các thông điệp và tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú khách du lịch và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức người dân với thông điệp thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.


Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiên túc, hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình, kịp thời xử lý theo thẩm quyền; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý.

 


PV

Những chính sách về BHYT có hiệu lực từ tháng 1/2023

Quy trình giám định BHYT mới: Thực hiện song song 2 hình thức giám định

Từ ngày 1/1/2023, Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam đã đưa ra những quy định mới về Quy trình giám định BHYT.


 

 Bác sĩ thăm khám, điều trị cho một bệnh nhân. Ảnh: TTXVN.
 Bác sĩ thăm khám, điều trị cho một bệnh nhân. Ảnh: TTXVN.


Theo Quyết định này, đối tượng áp dụng sẽ là cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.


Quyết định số 3618/QĐ-BHXH đã hướng dẫn cụ thể 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm công tác giám định chủ động (đây là giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện); Giám định tự động (đây là hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).


Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.


Đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà


Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) của BHXH Việt Nam, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.


Vì vậy, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH.


Tuy nhiên, Điều 2 Quyết 3510/QĐ-BHXH quy định, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ áp dụng cho người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình.


Sửa hướng dẫn về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình


Điều 37 Luật Cư trú 2020 đã sửa đổi thuật ngữ về hộ gia đình tham gia BHYT tại Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014 với định nghĩa như sau: "Hộ gia đình tham gia BHYT (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú."


Để đảm bảo tính thông nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, bao gồm những có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú; những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú; những người có chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.


Nhận thẻ BHYT hộ người thân không cần mang theo sổ hộ khẩu


Theo Khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2020, Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú đã được cấp chỉ có thể sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày ngày 1/1/2023 trở đi, 2 loại sổ này không còn giá trị sử dụng.


Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP điều chỉnh một số thủ tục liên quan đến BHYT sau khi bỏ sổ hộ khẩu


Cụ thể, tại mục 4, phần hướng dẫn của Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Nghị định 104 đã bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu” trong số các giấy tờ mà người đi nhận kết quả thay phải xuất trình nhằm chứng minh quan hệ là nhân thân hoặc giám hộ đối với người được cấp thẻ BHYT.


Như vậy, trường hợp người thân hoặc người giám hộ đi nhận kết quả thay thì phải xuất trình Giấy hẹn; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân gồm bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy kết hôn hoặc Giấy xác nhận cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc quyết định công nhận việc giám hộ.

 


Theo Baotintuc.vn

Trời rét gia tăng bệnh nhân đột quỵ

Thời tiết giá rét những ngày gần đây tại miền Bắc khiến số bệnh nhân bị đột quỵ tăng đột biến, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Đặc biệt, nhiều trường hợp đưa đến viện muộn, lỡ mất "thời gian vàng".


Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng trong những ngày lạnh giá vừa qua, bệnh nhân khám, điều trị, cấp cứu do đột quỵ tăng lên rõ rệt, trong đó nhiều người trẻ. Đáng chú ý có một tỉ lệ lớn bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị trong "thời gian vàng".

 

 
Tại Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tuần qua, số bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tăng gấp đôi, chủ yếu chuyển đến từ các tuyến và xung quanh bệnh viện.


Một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy chính là điều kiện thời tiết lạnh. Về bản chất nó không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ.


Theo PGS Chi, đột quỵ xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì… Khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt, những trường hợp này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe hoặc thậm chí chỉ việc quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát.


Vì thế, bác sĩ khuyến cáo những người đã có sẵn bệnh nền mãn tính cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ điều trị do bác sĩ hướng dẫn. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như yếu một bên tay, nói khó, liệt mặt, thậm chí tiếp xúc chậm chạp cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.


"Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc. Đồng thời nhanh nhất kết nối đơn vị y tế hoặc đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 và hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng"", PGS Chi khuyến cáo.


"Thời gian vàng" trong đột quỵ não là cụm từ để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. 


Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). 


"Thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong "cửa sổ thời gian" này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi. 


Những người có nguy cơ bị tai biến là: tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều.../.

 


Theo Dân trí

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,1% dân số

Đến hết tháng 11 năm nay, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90,19 triệu người người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số.

Đây là thông tin từ hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội tháng 12 diễn ra vào ngày 7/12.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có hơn 17,266 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 90% so với kế hoạch của ngành, tăng gần 720.000 người, tương đương 4,35% so với hết năm 2021.

Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90,19 triệu người người, tăng hơn 1,36 triệu người (1,53%) so với hết năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Con số này đã gần đạt mục tiêu của năm nay là số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số.

Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế ước hết tháng 11/2022 là gần 382.700 tỷ đồng, đạt 88,74% kế hoạch…

Qua 11 tháng năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; triển khai chuyển đổi số, công tác thu, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, giải quyết thủ tục hành chính… Công tác truyền thông chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức. Bên cạnh đó là các kết quả tích cực về thanh tra, kiểm tra; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành…

 

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,1% dân số ảnh 1

Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

 

Tại hội nghị, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong thực thi nhiệm vụ 11 tháng năm 2022.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, toàn ngành cần đánh giá, theo sát thị trường lao động để có những chỉ đạo, giải pháp phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức dịch vụ thu để đôn đốc, truyền thông, vận động, tập trung vào các nhóm tiềm năng. Cần tập trung khai thác dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra phấn đấu giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, toàn ngành tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi các quỹ.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

 

Theo Báo Nhân Dân

Thu hồi trên toàn quốc lô thuốc suy tuần hoàn não Npluvico

Ngày 7-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn số 13021/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Công ty cổ phần Dược Nature Việt Nam thông báo thu hồi thuốc Npluvico vi phạm mức độ 2. Đây là thuốc được chỉ định trong các trường hợp suy tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn ngoại biên, bệnh động mạch chi dưới, hội chứng Raynaud, tê lạnh và tím tái đầu chi.

 

Thu hồi lô thuốc Npluvico vi phạm mức độ 2. Ảnh minh họa

 

Theo đó, loại thuốc nêu trên do Công ty cổ phần Dược Nature Việt Nam (địa chỉ số 19 đường 18, khu phố 3, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất.

 

Trước đó, vào giữa tháng 11-2022, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh có gửi báo cáo về việc lấy mẫu thuốc viên nang mềm Npluvico (Cao khô lá Bạch quả 100mg; Cao khô rễ Đinh lăng 300mg, số giấy đăng ký lưu hành VD21622-14, số lô: 2004, ngày sản xuất: 12-5-2022, hạn dùng: 12-5-2025) để kiểm nghiệm. Mẫu thuốc được lấy tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh.

 

Kết quả, mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng. Cơ quan này kết luận, mẫu thuốc Npluvico trên vi phạm chất lượng mức độ 2.

 

Từ báo cáo này, Cục Quản lý dược đã ra thông báo thu hồi toàn quốc lô thuốc viên nang mềm Npluvico trên đây do Công ty cổ phần Dược Nature Việt Nam sản xuất.

 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Công ty cổ phần Dược Nature Việt Nam phối hợp với nhà phân phối thuốc, trong thời hạn 2 ngày (từ ngày 7-12), gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc viên nang mềm Npluvico trên đây và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. 

 

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu sở y tế các địa phương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

 

Riêng với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý dược đề nghị đơn vị này kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần Dược Nature Việt Nam thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

 

 

Theo HNM

Mẹo xua đuổi muỗi trong mùa dịch

Các khu vực nhiều cây cối và vùng đất ngập nước là nơi lý tưởng để muỗi sinh sôi, phát triển. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang lây lan diện rộng, việc trang bị kinh nghiệm để loại bỏ những sinh vật gây hại khó chịu này là một điều vô cùng cần thiết.
Dưới đây là những cách làm bẫy muỗi dễ dàng mà bạn có thể áp dụng cho gia đình của mình.

 

1. Sử dụng nguồn đường và chai nhựa


Bạn sẽ cần: một chai nhựa 2 lít và một nguồn đường, đó có thể là mật ong, đường trắng với nước, trái cây, nước trái cây hoặc hoa.

Cách thực hiện: trước tiên, bạn cần cắt phần trên của chai và đổ đầy nguyên liệu đã chọn vào. Sau đó, đặt ngược phần trên của chai đã cắt vào bên trong. Hãy đặt ở một chỗ tối trong phòng và đường sẽ thu hút muỗi rồi chúng sẽ tự nhốt mình dưới đáy chai.

2. Sử dụng chai nhựa và một số tờ báo


Bạn sẽ cần: một chai nhựa 2 lít, nước, đường, men và một số tờ báo.

Cách thực hiện: giống như thủ thuật trước, bạn sẽ cần cắt phần trên của chai và thêm một ít nước ấm với đường sau khi nước nguội. Sau đó, thêm một ít men và úp ngược phần chai đã cắt vào bên trong. Điều cuối cùng cần làm là dán một ít băng dính, một miếng vải hoặc một số tờ báo xung quanh chai để đảm bảo rằng muỗi không thể bay đi. 

3. Sử dụng chai nhựa đựng giấm và baking soda


Bạn sẽ cần: một chai nhựa 2 lít, băng dính, 1/4 cốc baking soda và 1 cốc giấm.

Cách thực hiện: bạn sẽ cần lặp lại bước tương tự như trong các thủ thuật trước bằng cách cắt chai. Sau đó cho baking soda vào đáy, úp ngược phần trên của chai và dùng băng dính để cố định. Sau đó, bạn có thể thêm giấm để nó sủi bọt. Đây là thứ sẽ thu hút muỗi do giải phóng khí carbon dioxide.


4. Sử dụng xô, vớ và màn lưới

Bạn sẽ cần: một cái xô nhỏ màu đen, một vài sợi dây mảnh, một chiếc tất chân, một mảnh lưới, keo dán và nước đọng.

Cách thực hiện: đầu tiên, bạn lấy chiếc xô và khoét 2 lỗ ở hai bên đối diện để luồn dây điện vào. 2 lỗ này đóng vai trò thoát tràn. Sau đó, dán ngón chân của một chiếc tất đen vào đáy bên trong hộp đựng và kéo phần còn lại của chiếc tất lên trên mép. Cắt một tấm lưới kim loại dạng lưới để vừa với mặt trên của thùng chứa và ấn nó vào lỗ để nó nằm ngay phía trên các lỗ tràn.

Bước cuối cùng là đổ nước tù đọng trong xô và khắp tất để mọi thứ đều ướt. Giữ cái này ở nơi có bóng râm trên ban công hoặc trong sân, và hãy đảm bảo đổ thêm nước vào bất cứ khi nào chiếc tất khô đi.

5. Dùng đĩa nhỏ đựng xà phòng và nguồn sáng


Bạn sẽ cần: một cái đĩa nhỏ hoặc gạt tàn, nước, xà phòng rửa chén và một số nến hoặc đèn.

Cách thực hiện: cho một ít nước và xà phòng vào hộp nhỏ và trộn đều để tạo bọt. Sau đó, bạn có thể để một số ngọn nến hoặc đèn xung quanh khiến muỗi bị thu hút bởi sức nóng mà những nguồn sáng này tạo ra.

6. Sử dụng tấm sấy


Đây không hẳn là một cái bẫy, mà chủ yếu là một loại thuốc đuổi côn trùng. Vì muỗi ghét mùi của nước xả vải nên bạn có thể tận dụng chúng. Nếu bạn đang ngồi trong nhà và chúng đang làm phiền bạn, chỉ cần đặt một tấm khăn khô vào túi hoặc để trực tiếp trên cơ thể bạn. Rất có thể muỗi sẽ tránh xa bạn./.

 

CTV Bảo Linh/VOV.VN

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm