Tìm kiếm

Đất đai

Đất đai

Hưng Yên: Ấn tượng số thu ngân sách từ tiền sử dụng đất

Thu tiền sử dụng đất là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong 7 tháng qua, số thu tiền sử dụng đất đạt kết quả ấn tượng, mang tính đột phá trong cơ cấu thu NSNN trên địa bàn tỉnh.
 

 
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế tỉnh

Năm 2022, HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ tiền sử dụng đất là 7.200 tỷ đồng. Trên cơ sở dự toán giao, các ngành chức năng kết hợp với các địa phương tích cực khai thác hiệu quả nguồn thu này vào NSNN.


Hiện nay, thu tiền sử dụng đất thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26.10.2019 về việc sửa đổi Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất (có hiệu lực thi hành từ ngày 10.12.2019) và các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh có hiệu lực hiện hành. Cùng với việc khai thác nguồn thu như: Thu từ tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; thu từ hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở… các huyện, thị xã, thành phố thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu vào NSNN. 


Với vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, gần thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên là điểm đến của một số dự án đô thị có quy mô khá lớn. Đáng chú ý như dự án khu đô thị Dream City, khu đô thị Đại An đi vào hoạt động, phát sinh số nộp tiền sử dụng đất cao, mang tính đột phá cho kết quả thu NSNN của tỉnh. Tính đến hết tháng 7, dự án khu đô thị Dream City nộp tiền sử dụng đất đạt 15.706 tỷ đồng; dự án khu đô thị Đại An nộp tiền sử dụng đất đạt 6.374 tỷ đồng… Kết quả này tác động mạnh mẽ đến số thu tiền sử dụng đất nói riêng, kết quả thu ngân sách nội địa nói chung.


Bên cạnh đó, các dự án đấu giá cấp quyền sử dụng đất cũng tích cực triển khai trong thời gian qua làm phát sinh tăng số nộp vào NSNN. Để nâng cao hiệu quả từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ quan chuyên môn kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện công tác chuẩn bị đúng quy trình, quy định. Trước mỗi đợt bán đấu giá quyền sử dụng đất, các đơn vị triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi, chi tiết đến đông đảo người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. 


Đáng chú ý, để tạo tâm lý phấn khởi cho người đầu tư và góp phần nâng cao giá trị khu đất, một số địa phương còn quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng như: Đường giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước....Vị trí khu đất, diện tích mỗi lô đất cũng được lựa chọn, bố trí phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế của người dân nên hầu hết các đợt tổ chức đấu giá đều thành công. 


Cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy trình, kịp thời thông báo đến người sử dụng đất số tiền phải nộp vào NSNN. Những trường hợp hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thực hiện ghi nợ tiền sử dụng đất đúng theo quy định.  Chi cục Thuế các khu vực  tiến hành thống kê, rà soát từng trường hợp đã thông báo nộp tiền sử dụng đất mà người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để vận động thực hiện nộp kịp thời vào ngân sách. 


Ở một số địa phương, Chi cục Thuế cử nhân viên xuống địa bàn trực tiếp đôn đốc từng người dân nộp tiền sử dụng đất. Do đó, số thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đạt kết quả đáng phấn khởi. Tính đến hết tháng 7, kết quả thu ngân sách từ tiền sử dụng đất ước đạt trên 26.002 tỷ đồng, đạt 361,15% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 723% so với cùng kỳ năm trước. Đây được ví von là “con số biết nói” về sự đột phá trong kết quả thu NSNN năm 2022 trên địa bàn tỉnh.


Nguồn thu tiền sử dụng đất được bố trí để đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Quá trình thực hiện thu tiền sử dụng đất cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, của UBND tỉnh. 


Thời gian tới, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần tăng cường tìm hiểu và phân tích thị trường, nắm bắt nhu cầu của người dân, nhà đầu tư về bất động sản, thực hiện các phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất thành công, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện dự án đô thị, dự án bất động sản nộp tiền sử dụng đất kịp thời, kiên quyết thu hồi tiền thuế nợ đọng. Đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư mới, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Các đợt tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, cần sớm hoàn thiện các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Các bộ phận chuyên môn thuộc cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài nguyên và môi trường để đối chiếu các thông tin hồ sơ địa chính của người nộp thuế; bổ sung thông tin, tài liệu để bảo đảm thông tin giữa 2 đơn vị thống nhất và việc xác định nghĩa vụ tài chính là đầy đủ căn cứ pháp lý. Ngay sau khi có các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kết quả, các cơ quan thu tiến hành thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. 


Minh Nghĩa

THÔNG BÁO Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

1. Tên, địa chỉ của người có tài sản đấu giá

- Tên cơ quan: UBND thành phố Hưng Yên.

- Địa chỉ: Số 568, đường Triệu Quang Phục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

2. Tên tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá

- Khu dân cư mới xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên (phía Đông Nam ngã tư sông Đống Lỗ và đường UBND xã Bảo Khê), số lượng 22 suất đất.

- Khu dân cư mới xã Liên Phương (Khu dân cư Vy Văn), số lượng 19 suất đất.

- Khu dân cư mới xã Hùng Cường (phía Nam Nhà văn hóa thôn Phượng Hoàng), số lượng 17 suất đất.

3. Tiêu chí lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản

- Có tên trong danh sách các tổ chức bán đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

- Có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả và phù hợp với pháp luật; trong phương án đấu giá có Kế hoạch đấu giá phù hợp đảm bảo đúng tiến độ; cách thức tổ chức đấu giá hiệu quả đủ điều kiện thực hiện đấu giá theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.

- Có năng lực, kinh nghiệm trong công tác đấu giá tài sản từ 04 năm trở lên; có từ 04 đấu giá viên trở lên đang hành nghề tại tổ chức đấu giá, có chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên theo quy định.

- Đã tổ chức đấu giá thành công ít nhất 05 hợp đồng đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở có giá trị mỗi hợp đồng theo giá khởi điểm từ 50 tỷ đồng trở lên.

- Có phương án khả thi, hiệu quả và phù hợp với pháp luật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức đấu giá.

4. Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tổ chức đấu giá

- Thời gian: Từ 8 giờ 00 phút ngày 15/02/2022 đến 16 giờ 00 phút ngày 16/02/2022.

- Địa điểm: Hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Hưng Yên.

* Lưu ý: Người đi nộp hồ sơ phải mang theo các giấy tờ sau:

- Giấy giới thiệu.

- Chứng minh thư hoặc Thẻ căn cước công dân.

- Hồ sơ năng lực của đơn vị đăng ký tham gia tổ chức đấu giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Mục 3 Thông báo này.

Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố

Thận trọng khi mua bán bất động sản

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng đột biến về số lượng thông tin rao bán nhà, đất và số cuộc mua, bán đất ở. Người tìm mua đất cũng nhiều, người rao bán đất càng nhiều hơn khi cuối năm, ngày Tết cận kề. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần thận trọng trong giao dịch, tránh chạy theo “cơn sốt” nhà đất.
 

 
Người dân huyện Tiên Lữ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
 

Theo ghi nhận của các địa phương, hoạt động mua, bán nhà đất  tăng mạnh. Mỗi cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở đều thu hút rất nhiều người đến nộp hồ sơ. Đồng thời, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất cũng có biên độ chênh lệch cao, trung bình tăng từ 40% đến 100% so với giá khởi điểm. 


Qua báo cáo của UBND huyện Văn Giang, trong năm 2021, tại thị trấn Văn Giang có 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất được tiến hành, 117 suất đất ở được đấu giá thành công với diện tích gần 12,7 nghìn m2, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 435 tỷ đồng. Theo đánh giá, giá đất trúng đấu giá tăng từ 40% đến 110% so với giá khởi điểm. Ngay sau các đợt đấu giá quyền sử dụng đất, hoạt động mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất tại đây diễn ra sôi động, hầu hết các thửa đất được cắm biển “bán đất” kèm số điện thoại. 


Năm 2021, huyện Khoái Châu có 88 suất đất được đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở với hơn 10 nghìn m2, giá đất trúng đấu giá từ 20 đến 40 triệu đồng/m2, cao nhất là tại xã Đông Kết có giá 60 triệu đồng/m2. Trên địa bàn tỉnh thời điểm cuối năm, lượng tin rao bán nhà đất ở các sàn giao dịch bất động sản, các trang thông tin điện tử cũng tăng mạnh từ 50 – 100%. 


Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời điểm cuối năm, bên bán càng có nhu cầu để gia tăng tỷ lệ giao dịch, người mua cần thận trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm bất động sản rao bán, nhằm tránh chạy theo “sốt ảo”, góp phần đẩy giá nhà đất tăng lên. Đồng thời cần tránh “tâm lý đám đông” khi tham gia giao dịch nhà đất, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.


Hiện nay, việc chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất cùng một thửa đất là rất phổ biến, người có nhu cầu về đất ở, nhà ở không nên vội vàng mua vào thời điểm giá quá cao, nhất là những tháng cuối năm, cận Tết để tránh thiệt hại khi không xác định được đúng giá trị thực của thửa đất. Người tham gia giao dịch mua bán bất động sản cần kiểm tra kỹ lưỡng tính pháp lý của các sản phẩm, hợp đồng mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất để tránh thiệt hại, lừa đảo. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản, đất nền dự án... đang nở rộ, bảo đảm các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định.


Ngày 15.12.2021, Bộ Tài chính có Công văn số 14257/BTC-VP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, thường xuyên vận động và tuyên truyền người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp, chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trốn thuế. 


PV

Xử lý nghiêm việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các cục thuế điều tra xử nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước (NSNN).

 
 Giao dịch bất động sản, kinh doanh trên nền tảng Internet là những hoạt động sẽ được ngành Thuế tăng cường quản lý trong năm nay. Ảnh: TTXVN.

Tình trạng mua, bán nhà, đất hai giá (giá bán cao, ghi trong hợp đồng giá thấp) để trốn thuế đã diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Thực trạng này đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm thất thu tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế và rất nhiều hệ lụy khác.


Đơn cử, một căn nhà giao dịch với giá 10 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 200 triệu đồng (thuế suất 2%), nhưng nếu hợp đồng công chứng để giá 2 tỷ đồng, số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 40 triệu đồng, Nhà nước sẽ thất thu 160 triệu đồng, còn người bán ăn gian được số tiền này. Vì thế, người mua và người bán thường bắt tay nhau để kê khai thấp giá trị thật của bất động sản chuyển nhượng nhằm giảm thuế.


Trước tình hình này, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu NSNN. Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính giao chỉ đạo các cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan công an, sở tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.


Công tác chống thất thu thuế là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo sát sao. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản yêu cầu các cục thuế tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp, cá nhân; phối hợp với các sở, ngành để chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.


Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cơ quan thuế với những giải pháp nêu trên, thì rất cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, ban ngành tại địa phương nơi có đất như như: Cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan tài chính, tư pháp, công an, thanh tra… Do đó, cần thiết có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ UBND các địa phương để công tác quản lý thuế, chống thất thu đạt được hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam một cách bền vững, qua đó đóng góp tương xứng vào NSNN.


Số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản mỗi năm đứng thứ 2 trong 10 nguồn thu thuế TNCN và chiếm trên 10% tổng số thu thuế TNCN. Tuy nhiên, số thuế chỉ hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm từ các hoạt động này được đánh giá là chưa tương xứng so với giao dịch thực tế. Hiện tượng kê khai giá giao dịch bất động sản thấp hơn so với thực tế nhằm giảm đi số thuế phải nộp khá phổ biến trong thời gian qua. 


Theo nhiều chuyên kinh tế, lâu nay, lĩnh vực này thất thu khá nhiều, số thuế đóng góp trong tổng thu không đáng kể, thuế TNCN chủ yếu từ tiền công, tiền lương. Đợt này cơ quan thuế làm “mạnh tay” để tạo sự công bằng cho người nộp thuế, bởi gần như ai cũng kê khai giá tính thuế thấp hơn giao dịch, dẫn đến trốn thuế. Thời gian qua, cơ quan thuế đã nhiều lần trả hồ sơ cho người dân kê khai lại. Trong trường hợp người dân không đồng ý, cơ quan thuế sẽ chuyển qua cơ quan công an. Nếu bị phát hiện tội trốn thuế vì kê khai giá thấp, cả người mua và người bán đều bị xử phạt hình sự.


Đề cập về một số ý kiến cho rằng, nên tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán, mặt hàng hạn chế tiêu dùng trong thời gian tới? Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Hiện, mức thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Đối với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua, bán.

 

Thị trường chứng khoán đang là kênh thu hút vốn hiệu quả cho nền kinh tế, vì vậy, cần giữ nguyên mức thuế giao dịch. Năm 2021, thị trường chứng khoán huy động được 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5 % so với GDP của năm 2021. "Nên siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân, yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế để tránh thất thu", người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.


Theo TTXVN

THÔNG BÁO Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

1. Tên, địa chỉ của người có tài sản đấu giá

- Tên cơ quan: UBND thành phố Hưng Yên.

- Địa chỉ: Số 568, đường Triệu Quang Phục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

2. Tên tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá

- Khu dân cư mới xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên (phía Đông Nam ngã tư sông Đống Lỗ và đường UBND xã Bảo Khê), số lượng 18 suất đất.

- Vị trí số 2, vị trí số 3, thôn Đông Chiểu, xã Liên Phương, số lượng 24 suất đất.

- Khu dân cư mới xã Liên Phương (Khu dân cư Vy Văn), số lượng 12 suất đất.

- Khu dân cư mới xã Hùng Cường (phía Nam Nhà văn hóa thôn Phượng Hoàng), số lượng 10 suất đất.

3. Tiêu chí lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản

- Có tên trong danh sách các tổ chức bán đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

- Có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả và phù hợp với pháp luật; trong phương án đấu giá có Kế hoạch đấu giá phù hợp đảm bảo đúng tiến độ; cách thức tổ chức đấu giá hiệu quả đủ điều kiện thực hiện đấu giá theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.

- Có năng lực, kinh nghiệm trong công tác đấu giá tài sản từ 04 năm trở lên; có từ 04 đấu giá viên trở lên đang hành nghề tại tổ chức đấu giá, có chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên theo quy định.

- Đã tổ chức đấu giá thành công ít nhất 05 hợp đồng đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở có giá trị mỗi hợp đồng theo giá khởi điểm từ 50 tỷ đồng trở lên.

- Có phương án khả thi, hiệu quả và phù hợp với pháp luật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức đấu giá.

4. Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia tổ chức đấu giá

- Thời gian: Từ 8 giờ 00 phút ngày 04/01/2022 đến 16 giờ 00 phút ngày 05/01/2022.

- Địa điểm: Hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Hưng Yên.

* Lưu ý: Người đi nộp hồ sơ phải mang theo các giấy tờ sau:

- Giấy giới thiệu.

- Chứng minh thư hoặc Thẻ căn cước công dân.

- Hồ sơ năng lực của đơn vị đăng ký tham gia tổ chức đấu giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Mục 3 Thông báo này.

Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm