Tìm kiếm

Kinh tế

Kinh tế

Thống nhất giải pháp xúc tiến tiêu thụ, quảng bá nâng tầm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Ngày 13/3, Sở Công Thương tổ chức họp bàn thống nhất giải pháp xúc tiến tiêu thụ, quảng bá nâng tầm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh niên vụ 2023. Dự họp có đại diện một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

 

Các đại biểu tham gia buổi họp tại Sở Công Thương


Tại buổi họp, lãnh đạo Sở Công Thương đưa ra những phương án, giải pháp, dự kiến thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản để các nhà vườn, doanh nghiệp cùng thảo luận như: Phiên chợ vải Hưng Yên, hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh, lễ hội nhãn lồng Hưng Yên; tuần lễ nhãn lồng – nông sản tiêu biểu tỉnh năm 2023; phiên chợ cam Hưng Yên; tuần lễ cam và nông sản tiêu biểu tỉnh năm 2023... Một số nhà vườn, doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc biệt là kinh nghiệm, giải pháp tiêu thụ nhãn Hưng Yên, trong đó, chú trọng phương án bán hàng trên các sàn thương mại điện tử... 


Kết luận buổi họp, đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị các nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản trong tỉnh tăng cường đoàn kết, nhiệt tình hưởng ứng tham gia các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản do tỉnh tổ chức. Đồng thời, chú trọng bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm để giữ vững thương hiệu, uy tín các sản phẩm nông sản của tỉnh. Phát hành ấn phẩm chung giới thiệu  quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó đi sâu giới thiệu các sản phẩm nhãn Hưng Yên. Bên cạnh đó, duy trì và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh...  

 


Minh Huấn

Hưng Yên: Tổng nguồn vốn tín dụng đạt trên 121,8 nghìn tỷ đồng

Ước tính đến hết tháng 2/2023, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 121,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3.212 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 2,7%) so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn huy động đạt trên 113,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2.340 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 3%) so với đầu năm. 


Nhìn chung lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng tăng nên thu hút người dân gửi tiền tiết kiệm. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc mức lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

 


Minh Nghĩa

Hưng Yên: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,22%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 trên địa bàn tỉnh tăng 0,22% so với tháng trước. Trong đó 8 nhóm có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3,34%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,89%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,61%; giáo dục tăng 0,16%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,49%; giao thông tăng 0,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,97%. 2 nhóm có chỉ số giá giảm là: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,28%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số ổn định. 

 


Minh Huấn

Tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,52% so với tháng trước

Theo số liệu công bố ngày 29/1 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so tháng trước. So cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21%.

 

Ảnh minh họa: Thành Đạt
Ảnh minh họa: Thành Đạt

 

Theo Tổng cục Thống kê, Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 1/2023 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2023 là những yếu tố làm tăng chỉ số CPI.

Cụ thể, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. Trong khi đó, so cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1/2023 tăng 4,89%. Đây là mức tăng khá cao so với tháng 1 của 5 năm trở lại đây.

So cùng kỳ năm trước, CPI của các tháng 1 từ năm 2019 trở lại đây tăng lần lượt 2,56%; 6,43%; -0,97%; 1,94% và 4,89%.

 

Tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,52% so với tháng trước ảnh 1

So với tháng trước, CPI của một số nhóm mặt hàng cũng tăng khá cao, do ảnh hưởng của chi tiêu trong dịp Tết. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%...Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; nhóm giao thông tăng 1,39%; nhóm giáo dục giảm 0,15%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%.

Tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,52% so với tháng trước ảnh 2

 

Trong khi đó, do nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán, chỉ số giá vàng tháng 1/2023 tăng 0,51% so với tháng trước; tăng 3,57% so cùng kỳ năm trước.

Còn giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do ở quanh mức 23.690 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2023 giảm 2,05% so với tháng trước; tăng 3,18% so cùng kỳ năm trước.

 

Tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,52% so với tháng trước ảnh 3

 

So cùng kỳ năm trước, nhóm giáo dục tháng 1/2023 tăng cao nhất, với 11,6%, chủ yếu do trong năm học 2021-2022 nhiều địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Trong khi đó, năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.

Ngoài nhóm giáo dục, thì nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng cao, lên tới 6,94%, do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,08%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7%; giá lương thực tăng 3,74% và thực phẩm tăng 6,11%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch so cùng kỳ năm trước cũng tăng 5,3%, do dịch Covid-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 1/2023 tăng 4,36%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán, giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng…

Tổng cục Thống kê cho biết, sự phục hồi trở lại của các hoạt động tiêu dùng, dịch vụ, du lịch đã đẩy CPI tháng 1/2023 tăng khá cao so cùng kỳ năm trước. Đây là điều đã được cảnh báo trước, sẽ gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023. Và đó cũng là lý do vì sao trong các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, mục tiêu kiểm soát được đặt ra ở mức 4,5%, thay vì dưới 4% như một số năm trước đây.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải, việc lạm phát cơ bản tăng 5,21% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%), chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung, do giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so cùng kỳ năm trước cao hơn.

 

 

Theo Báo Nhân Dân

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”

Ngày 11/1, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt”. Đồng chí: Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự.

Các đại biểu tham quan trưng bày ảnh tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh


Chương trình trưng bày chuyên đề “Chợ Tết Việt” nhằm tái hiện lại không gian và những phong tục tập quán, trò chơi dân gian ngày xuân, giúp khách tham quan được trải nghiệm, hoài niệm về những ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha trong cuộc sống đương đại. 


Tại buổi khai mạc trưng bày, các đại biểu đã được xem các nghệ nhân, nghệ sỹ trình bày các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát ca trù, trống quân, xẩm, chèo…; thực hiện nghi thức dựng cây nêu ngày Tết; tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, tranh Đông Hồ, thư pháp và trưng bày triển lãm sách, báo, tạp chí Xuân Quý Mão 2023, ảnh tư liệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 


Lê Hiếu

Khai mạc hội chợ Xuân Quý Mão 2023

Tối ngày 9/1, tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên), UBND tỉnh tổ chức khai mạc hội chợ Xuân Quý Mão 2023. Dự khai mạc hội chợ có đồng chí: Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại một số tỉnh trong khu vực.

 

Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ
 

Hội chợ Xuân Quý Mão 2023 có quy mô 200 gian hàng trưng bày giới thiệu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thời trang, may mặc, da giầy, sản phẩm hàng hoá tiêu dùng, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tiêu biểu của Hưng Yên và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các nhóm sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Phát biểu khai mạc hội chợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh: Hội chợ Xuân Quý Mão 2023 là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại đầu tiên của năm 2023 được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó kết nối, mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước. Hội chợ là cơ hội giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia quảng bá sản phẩm, kết nối, học hỏi kinh nghiệm, gặp gỡ và tăng cường hợp tác để mở rộng thị trường, đồng thời mang đến cơ hội mua sắm dành cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp có thể nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm...  

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022


Tại lễ khai mạc, Ban chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm  tỉnh đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022 cho những sản phẩm được đánh giá xếp hạng 3 sao, 4 sao năm 2022.
Hội chợ xuân Quý mão 2023 diễn ra từ ngày 9/1 đến ngày 13/1.

 


Minh Huấn – Phạm Đăng

Niềm vui nhân đôi của nông dân trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, thị trường hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang có nhiều khởi sắc khi hoa, cây cảnh được giá, người dân hân hoan sản xuất đón chào năm mới với nhiều niềm vui.

Sản xuất mía cảnh phục vụ Tết ở xã Liên Nghĩa (Văn Giang)


Huyện Văn Giang có gần 1 nghìn ha hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với hàng triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Năm nay, thời tiết thuận lợi với người dân sản xuất hoa, cây cảnh nên cây xanh tốt, quả to, lộc nhiều, hoa thắm sắc. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn huyện đã xuất bán gần 70% diện tích hoa, cây cảnh cho các thương lái với giá bán cao hơn trung bình từ 15 đến 20% so với năm trước. Đối với các cây cảnh có múi, độc đáo, kích thước lớn, giá bán cao hơn khoảng 40%, dễ tiêu thụ.


Làng nghề hoa, cây cảnh xã Thắng Lợi (Văn Giang) có 130ha trồng hoa, cây cảnh. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại cây cảnh có múi như: Bưởi, cam, quất cảnh. Bà Nguyễn Thị Thảo, nông dân xã Thắng Lợi chia sẻ: Năm nay, thời tiết thuận lợi đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây cảnh nên chúng tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng đẹp hơn năm trước. Nếu như năm trước, những ngày cận tết chúng tôi vẫn “đứng ngồi không yên” chờ thương lái tới đặt mua cây, năm nay, ngay từ tháng 9 âm lịch, thương lái ở các tỉnh đã về địa phương tham quan, tìm hiểu vườn và đặt mua cây cảnh  với giá cao hơn trung bình khoảng 40% so với năm trước. Năm nay, với 5 sào trồng quất, bưởi cảnh, doanh thu của gia đình tôi ước đạt trên 800 triệu đồng.


Những ngày này, nông dân trồng cây cảnh ở Làng nghề hoa, cây cảnh xã Liên Nghĩa đều  phấn khởi, tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh để phục vụ thị trường Tết. Đồng chí Lý Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ dân chủ động ghép quả, uốn tỉa cây cảnh có múi thành các hình dáng, biểu tượng độc đáo của năm như: Biểu tượng cúp WorlCup, lọ lục bình, hình trái tim... Bên cạnh đó, các loại quất cảnh được trồng ghép với gỗ lũa, tạo hình quất bon sai giả cổ cũng thu hút khách hàng đặt mua từ sớm. Thời điểm này, các nhà vườn đã bán khoảng 60% sản lượng hoa, cây cảnh, cao hơn khoảng 35% so với cùng thời điểm năm trước. Năm nay, hoa, cây cảnh không chỉ tiêu thụ thuận lợi mà giá bán cũng cao hơn từ 150 nghìn đồng/chậu cây cảnh trở lên (tùy kích thước, kiểu dáng cây cảnh). Một số vườn cây cảnh đẹp đã được thương lái vận chuyển đi tiêu thụ từ tháng 10 âm lịch.


Không khí sản xuất sôi động, nhộn nhịp còn hiện hữu ở các địa phương chuyên canh trồng hoa trên địa bàn huyện như: Phụng Công, Xuân Quan. Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: Năm nay, thị trường hoa, cây cảnh sôi động từ khá sớm, nhóm hoa, cây cảnh bon sai giả cổ thu hút sự quan tâm từ thị trường. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn xã đang tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có phương án điều chỉnh biện pháp chăm sóc hoa, cây cảnh, bảo đảm bung nở đúng dịp Tết.


Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, vận chuyển hoa, cây cảnh, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn huyện, lực lượng công an phối hợp với các tổ tự quản tại địa phương  bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, thường xuyên tuần tra, phân luồng giao thông tại một số tuyến đường trục chính của xã, thôn; yêu cầu Nhân dân không lấn chiếm lòng, lề đường làm điểm tập kết hoa, cây cảnh để tạo thuận lợi cho việc đi lại, di chuyển của thương lái và người dân. Xã Phụng Công đã làm biển chỉ dẫn đường ở khu vực sản xuất, giúp khách tham quan và thương lái thuận tiện việc định vị khu vực cần đến. 

Độc đáo cây cảnh có múi tạo dáng lọ lục bình ở Văn Giang

Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang khẳng định: Năm nay, hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện được nâng cao về chất lượng sản phẩm, đa dạng về mẫu mã với những tạo hình độc đáo, mới lạ. Hiện nay, phòng phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc hoa, cây cảnh phù hợp; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm khi được giá, tránh việc “găm hàng” để hạn chế rủi ro trong sản xuất. Cùng với đó, các nhà vườn cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất sau Tết, đáp ứng quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện để sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của huyện.
   

 

PV

Hưng Yên: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 49,8 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 49,8 nghìn tỷ đồng, đạt trên 255% dự toán HĐND tỉnh giao cả năm. Về tổng thể, kết quả thu ngân sách nội địa và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đã hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao cả năm 2022.


Trong tháng 12, ngành Thuế tỉnh và Chi cục Hải quan Hưng Yên tiếp tục rà soát các nguồn thu, khoản thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao năm 2022.

 


Minh Nghĩa 

Bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Cửa hàng xăng dầu Bảo Anh, số 236 phố Lương Thế Vinh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội dừng hoạt động mấy ngày qua. (Ảnh: MINH ĐỨC)
Cửa hàng xăng dầu Bảo Anh, số 236 phố Lương Thế Vinh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội dừng hoạt động mấy ngày qua. (Ảnh: MINH ĐỨC)

 

Công điện nêu rõ: thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó đã lan ra các địa phương phía Bắc, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

 

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Các Bộ, cơ quan: Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, kết quả xử lý chưa có chuyển biến rõ nét, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

 

Để sớm khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

 

1. Bộ trưởng Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được Chính phủ giao tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu, trong đó:

 

a) Chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11/2022.

 

b) Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.

 

2. Bộ trưởng Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

 

3. Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan.

 

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Công thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

 

5. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ: Công thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.

 

6. Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.

 

7. Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

 

 

Theo báo Nhân Dân

Hiệu quả mô hình nuôi ghép cá chép

Để phát triển nuôi thả thủy sản hiệu quả, bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều mô hình như: Nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá lồng trên sông, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá chép lai V1 theo hướng VietGAP, nuôi cá trắm cỏ trong lồng… Các dự án, mô hình khuyến nông đã cho hiệu quả cao, được nông dân áp dụng rộng rãi. Để từng bước giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thả thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho sản phẩm, môi trường và người tiêu dùng, từ tháng 3/2022, Trung tâm Khuyến nông (viết tắt là Trung tâm) xây dựng mô hình nuôi ghép cá chép là chính trong ao với diện tích 3ha.

 

Kỹ thuật viên của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các hộ kỹ thuật nuôi ghép cá chép


Mô hình nhằm chuyển giao công nghệ nuôi ghép cá chép là chính trong ao, phát triển cá chép và các loài cá truyền thống đạt năng suất cao, gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cho nông dân. Mô hình được triển khai tại 5 hộ ở các xã: Hưng Long (thị xã Mỹ Hào), Việt Hưng (Văn Lâm), Tân Tiến (Văn Giang), Hoàn Long (Yên Mỹ), Quang Hưng (Phù Cừ), Hạ Lễ (Ân Thi); các hộ tham gia mô hình bảo đảm các tiêu chí theo yêu cầu. Mục tiêu của mô hình phấn đấu tỷ lệ cá sống đạt trên 70%, cỡ cá chép khi thu hoạch đạt bình quân trên 500g/con, hệ số sử dụng thức ăn 1,5, năng suất bình quân 10,5 tấn/ha.


Với quy mô thực hiện 3ha, Trung tâm đã hỗ trợ 50% cá chép giống (45.000 con), 46% lượng thức ăn công nghiệp (21.735kg), 50% lượng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy ao (87kg), chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao (144 lít), vitamin C (47,25kg), men tiêu hóa (47,25 lít). Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và một số hộ ngoài mô hình. Trước khi thả cá giống 15 ngày, Trung tâm hướng dẫn các hộ tát cạn ao, vét bùn cải tạo ao, tẩy trùng cho ao bằng vôi bột với liều lượng 7 - 10kg/100m2 rải khắp mặt ao, tiến hành phơi đáy ao 7 ngày, sau đó tiến hành cấp nước cho ao với mực nước 1,8 – 2m, nước lấy vào ao được lọc qua lưới cước mau để loại bỏ cá tạp và vẩn cặn… Sau đó tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn của nước ao nuôi như: Độ pH, độ trong, màu nước ao… Mật độ thả, tỷ lệ ghép và kích cỡ cá giống thả được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình.


Bà Nguyễn Thị Sen, xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) tham gia mô hình với diện tích 0,5ha cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, kỹ thuật viên của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật; hướng dẫn chủ hộ tham gia mô hình không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ có thể gây hại cho cá. Các chế phẩm sinh học, hóa chất sử dụng để cải thiện môi trường ao nuôi, thức ăn hỗn hợp cho cá, thuốc phòng bệnh... được kỹ thuật viên hướng dẫn sử dụng đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi thả thủy sản. Ngoài ra, các hộ còn được hướng dẫn sử dụng thức ăn tự chế biến cho cá như: Ngô, thóc ủ mầm... bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Kỹ thuật cho cá ăn được hướng dẫn với 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát, lượng cám cho ăn theo khẩu phần ăn hàng tháng, theo khối lượng cá. Trong quá trình cho ăn tùy theo điều kiện thời tiết, thực trạng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá được hướng dẫn thực hiện bằng biện pháp xử lý nguồn nước định kỳ, do vậy, trong quá trình nuôi chưa thấy dấu hiệu bệnh, cá phát triển tốt.


Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, sau 8 tháng nuôi, ước tỷ lệ cá sống đạt 71,87%, khối lượng bình quân đạt gần 877 gam/con, năng suất bình quân đạt hơn 19,6 tấn/ha. Hiệu quả của mô hình nuôi ghép cá chép là chính trong ao sẽ góp phần tạo đà cho nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi thả thuỷ sản. Mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi thả thủy sản về bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động từ quá trình nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, mô hình đã giúp các hộ nuôi thả thủy sản khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật sử dụng thuốc, thức ăn... trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.


Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Cá chép nuôi ghép với các đối tượng cá truyền thống phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Cá chép có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, đây là loại cá dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn phong phú, tận dụng được các phụ phẩm từ nông nghiệp... Nuôi ghép còn tận dụng được tầng sống, thức ăn, quá trình nuôi ít có dịch bệnh nghiêm trọng, quản lý đơn giản, chất lượng cá ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong quá trình triển khai, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp chủ hộ và một số hộ nông dân nuôi thả thuỷ sản khác tiếp thu và nắm bắt kỹ thuật áp dụng vào thực tế đạt kết quả cao. Đồng thời, Trung tâm hỗ trợ đầy đủ, kịp thời giống và các loại vật tư bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, do vậy, cá phát triển tốt, các chỉ tiêu về kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình.

 


Đào Ban 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm