Tìm kiếm

An ninh trật tự

An ninh trật tự

Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Ngộ độc rượu là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tâm thần, tai nạn giao thông… 

 

Phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến QL39


Bác sĩ Nguyễn Văn Đăng, Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên cho biết, sau mỗi dịp tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân rối loạn loạn thần do rượu, ở nhiều độ tuổi khác nhau, gồm cả bệnh nhân mới và bệnh nhân tái lại. Tùy từng thể bệnh, mức độ mắc bệnh mạn tính, hoặc mới mắc, người bị rối loạn loạn thần do rượu có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, những biểu hiện đặc trưng bao gồm triệu chứng ảo giác kéo dài, ảo thanh. Người bệnh có xu hướng tìm đến rượu để giải tỏa khi bị rối loạn loạn thần nhưng càng khiến bệnh cảnh nghiêm trọng hơn... Về lâu dài, rượu, bia tàn phá cơ thể, gây nhiều bệnh như tăng nguy cơ ung thư, làm thay đổi thành phần sinh vật trong ruột, ảnh hưởng đến trí nhớ dài hạn và cấu trúc não, gây rối loạn nội tiết tố…


Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối những ngày cận tết và trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông kèm ngộ độc rượu. Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, kỳ nghỉ tết năm nào, Khoa cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông trên nền có uống rượu, bia. Thường những trường hợp này trong tình trạng rất nặng do không làm chủ được việc điều khiển phương tiện. Nhiều bệnh nhân được người dân đưa vào, không có người nhà đi cùng. Bác sĩ cùng lúc vừa phải xử lý vết thương, vừa phải xử lý ngộ độc rượu cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp do say rượu nên rất hung hăng, hành hung, chửi bới bác sĩ, nhân viên y tế.


Theo báo cáo của Sở Y tế, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận 212 bệnh nhân do tai nạn giao thông, 61 bệnh nhân do đánh nhau, ẩu đả. Trong đó, theo các bác sĩ, phần nhiều có liên quan đến uống rượu, bia… Thực tế trong xã hội, rượu, bia đã phá nát hạnh phúc của bao gia đình. Nhiều người vợ phải chịu những trận chửi bới, đánh đập sau mỗi lần người chồng say xỉn. Và đã có sự việc đau lòng khi sự việc ở ngoài tầm kiểm soát của lý trí. 


Những hệ lụy do lạm dụng rượu, bia đã rõ. Nhằm giảm thiểu tác hại do uống rượu, bia, theo các bác sĩ, cần sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như: Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông; người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rượu, bia; vận động, thuyết phục người dân không lạm dụng rượu, bia, không ép buộc, khuyến khích người khác sử dụng rượu, bia… Kiểm soát việc sử dụng rượu, bia để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu, bia. Các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc tại nơi làm việc; trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc, ngày trực và đưa nội dung quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào các nội quy, quy chế của cơ quan.


Cùng với đó, các địa phương, mỗi gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, việc quản lý, kiểm soát kinh doanh rượu cũng cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng…

 


Đào Doan

Quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, vui chơi, giải trí, du lịch trở lại bình thường, kéo theo đó là việc chủ các phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe có dấu hiệu gia tăng.

 

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

 

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung xử lý kiên quyết, rốt ráo vi phạm về nồng độ cồn, góp phần bảo đảm an toàn cho nhân dân du Xuân.

Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá cao. Đối với người điều khiển xe mô-tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô-tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Tuy nhiên, tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn xảy ra nhiều. Một số người dù biết rõ tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm vì cho rằng vẫn làm chủ được tay lái.

Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá cao. Đối với người điều khiển xe mô-tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô-tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Tâm lý chung của người vi phạm thông thường đều không muốn nhận lỗi hoặc tìm mọi cách giảm nhẹ lỗi.

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn còn khó khăn nhiều lần do lái xe không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, lời nói. Việc không hợp tác, thậm chí chống đối xảy ra thường xuyên. Có những trường hợp xử lý cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng tới công tác chung. Dù như vậy chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý, lập biên bản, tạm giữ phương tiện, không để chủ phương tiện tiếp tục điều khiển lái xe trên đường”.

Năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm khoảng 11% tổng số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện, xử lý. Đáng chú ý, số lượng trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa trên 0,4 mg/1 lít khí thở theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ) chiếm khoảng 30% số trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông được Bộ Công an xác định là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tai nạn, tiềm ẩn hành vi gây mất trật tự công cộng, đánh nhau, gây thương tích, thậm chí xảy ra án mạng.

Từ ngày 15/11/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân 2023. Với phương châm: Làm xuyên Tết, khép kín địa bàn, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ với tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ an toàn cho người dân, lấy sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông là mục tiêu hàng đầu.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho các tỉnh ủy, thành ủy ban hành quy định cụ thể về việc cấm cán bộ, đảng viên có hành vi sử dụng rượu, bia không đúng quy định. Lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi có thêm nhiệm vụ xác nhận nhân thân của người vi phạm, nếu là cán bộ công chức, đảng viên sẽ có thông tin về cho đơn vị chủ quản, cho tổ chức cơ sở đảng để xem xét xử lý. Việc lập lại trật tự, xây dựng văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe” cần phải có sự vào cuộc đồng bộ mới tạo được sự chuyển biến.

Từ sự quyết tâm, quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy: Chỉ trong bảy ngày Tết vừa qua, đã xử lý 7.726 trường hợp, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%. Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Hải Phòng có 616 trường hợp, Hà Nội có 558 trường hợp, Thành phố Hồ Chí Minh có 483 trường hợp, Quảng Nam là 480 trường hợp...

Báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông cho thấy: Chỉ trong bảy ngày Tết vừa qua, đã xử lý 7.726 trường hợp, chiếm 35,1% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số xử phạt tăng 6.620 trường hợp, tăng 598%.

Tại cuộc giao ban trực tuyến lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc, bàn giải pháp, biện pháp, phương pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 do Bộ Công an tổ chức ngày 27/1, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: Tết năm nay là Tết an toàn. Tai nạn giao thông trong bảy ngày Tết giảm sâu trên cả ba tiêu chí (giảm 31,84% số vụ, 36,43% số người chết, 47,64% số người bị thương) so với Tết năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Điều đáng mừng là không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Cũng tại giao ban đầu xuân, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tập trung bảo đảm an toàn cho người dân đi du Xuân trong mùa lễ hội 2023 cũng như xuyên suốt trong năm 2023 với mục tiêu trọng tâm là kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển, tham gia giao thông.

Thứ trưởng Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long yêu cầu toàn lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu “lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông”, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông và kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông; tập trung xử lý triệt để, quyết liệt, xuyên suốt vi phạm về nồng độ cồn, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân “đã uống rượu, bia thì không lái xe” ■

 

 

Theo Báo Nhân Dân

Hơn 400 ca khám, cấp cứu do pháo nổ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán

Trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ sáng ngày 30 Tết đến 7 giờ sáng Mùng 5 Tết Quý Mão 2023), cả nước ghi nhận 403 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ các loại, tăng 139 ca so với cùng kỳ năm trước.

 Bệnh nhân 19 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bị đứt lìa bàn tay phải do pháo tự chế nổ. Ảnh: TTXVN phát


Đây là con số đáng lưu ý trong báo cáo tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn, ngộ độc của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 26/1 (tức ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão).


Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho biết, chỉ từ 7 giờ ngày 25/1 đến 7 giờ ngày 26/1, cả nước đã có thêm 22 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, tăng 6 ca so với cùng ngày năm trước.
Về công tác khám, chữa bệnh, hiện tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm 7 giờ sáng ngày 26/1 (tức mùng 5 Tết Quý Mão 2023) là 116.648 bệnh nhân.
Trong những ngày nghỉ Tết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 65.455 bệnh nhân, tăng 28,5%; nhập viện điều trị nội trú 29.739 bệnh nhân (chiếm 64%) tăng 36,9% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022.  


Các cơ sở y tế đã thực hiện 3.511 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 517 ca phẫu thuật cấp cứu do tai nạn; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.762 trẻ chào đời và cho xuất viện 14.886 bệnh nhân về nhà ăn Tết; vận chuyển 1.348 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện.


Sau 6 ngày nghỉ Tết đã có 9.716 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, chiếm 36,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 15,6%; có 217 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 8 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.


Cũng trong 6 ngày nghỉ Tết đã có 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,0% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 43% trong số đó 1.318 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 10 trường hợp tử vong. Cùng với đó đã có tổng cộng 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 4,6% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 19 trường hợp đã tử vong; có 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (do tự tử).


Cục Quản lý Khám chữa bệnh đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.

 


Theo TTXVN

  16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam

Năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).


Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.


Thiệt hại lừa đảo trực tuyên gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có  tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.


Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.
 
 

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều hình thức lừa đảo mới đã ra đời.


Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, cụ thể:


Nhóm 1: Giả mạo thương hiệu


(1) Giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân.


(2) Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn,…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.


Nhóm 2: Chiếm đoạt tài khoản


(3) Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…


(4) Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo. Nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.


Nhóm 3: Các hình thức kết hợp


(5) Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giải danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông … để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.


(6) Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.


(7) Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS.


(8) Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu views, câu likes và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo…


(9) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm.


(10) Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Chẳng hạn như lừa chiếm đoạt tài sản bằng cách chờ trực trên các Fanpage có tích xanh, Fanpage của người nổi tiếng trên mạng xã hội để nhắn riêng với nạn nhân đóng giả là nhân viên, trợ lý.


(11) Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.


(12) Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại (tiện ích mở rộng cho trình duyệt, phần mềm bẻ khóa - crack). Đối tượng tạo những công cụ, đường dẫn, phần mềm độc hại để chiếm đoạt tài sản, thông tin tài khoản mạng xã hội, ngân hàng thông qua tiếp cận nạn nhân từ chạy quảng cáo đường link độc hại, phát tán mã độc, phần mềm độc hại qua Facebook, Telegram, Google Search, Google Play Store, Apple’s App Store và email.


(13) Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.


(14) Thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản.


(15) Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe doạ lừa tiền nạn nhân.


(16) Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.


Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính: 


- Giả mạo thương hiệu: chiếm 72.6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…)


- Chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..): chiếm 11.4%


- Các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..): chiếm 16%.


Mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
 
 

Thống kê các hình thức lừa đảo (số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp)
Thống kê các hình thức lừa đảo (số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp)


Trong thời gian qua để bảo người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định./.

 


PV/VOV.VN

Cảnh báo gia tăng hình thức lừa đảo, mạo danh ngân hàng dịp cuối năm

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục đưa ra các cảnh báo về tình trạng mạo danh nhân viên ngân hàng, tin nhắn thương hiệu ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank tiếp tục gia tăng trở lại. 

Những tin nhắn này thường có nội dung thông báo rằng tài khoản của khách hàng đang đăng nhập trên thiết bị khác và yêu cầu khách hàng bấm vào một đường liên kết (link) giả mạo. Nếu khách hàng làm theo, thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng ngay lập tức sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt.

Đường link gửi kèm trong tin nhắn thường chứa tên gần giống với trang web chính thức của ngân hàng như: https://vietcombank.comvn-br.xyz; https://vietcombank.comvn-br.top; https://vietcombank.vn-vn.top; http://vietcombank.vn-vc.top; https://vietcombank.com.vn-vc.xyz; https://vietcombank.com.vn-br.tob....

Mặc dù thủ đoạn này không mới và liên tục được ngân hàng cảnh báo, nhưng các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo khiến không ít khách hàng sập bẫy.

Vietcombank khẳng định không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập dịch vụ VCB Digibank. Các tin nhắn có đường link đăng nhập dịch vụ đều là giả mạo. Ngân hàng vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các đường link giả mạo, hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về tài chính cho khách hàng.

Do đó, Vietcombank khuyến cáo khách hàng không bấm vào đường link nếu nhận được tin nhắn có nội dung tương tự như trên. Trong trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng ngay lập tức thực hiện khóa dịch vụ VCB Digibank khẩn cấp bằng cách nhắn tin theo cú pháp VCB KHOA DIGIBANK gửi 6167 hoặc gọi điện đến tổng đài 1900545413 hoặc đến các điểm giao dịch trong giờ hành chính.

Không riêng Vietcombank, trước đó nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Thậm chí, ngoài mạo danh tin nhắn SMS thương hiệu ngân hàng, kẻ gian còn giả mạo các trang web, trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok của ngân hàng để đăng các thông tin ưu đãi, khuyến mại không chính xác. Các tài khoản giả mạo này thường cố tình sử dụng ảnh chụp có yếu tố xác thực, không phải xác thực chính thống của mạng xã hội gây nhầm lẫn cho khách hàng, 

Trong dịp cuối năm này, một số đối tượng còn giở chiêu trò, thủ đoạn mạo danh ngân hàng thu các loại phí sản phẩm dịch vụ, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân.

Trước tình trạng mạo danh lừa đảo gia tăng, nhất là trong giai đoạn cận Tết khi nhu cầu giao dịch, thanh toán tăng cao, các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã xác thực một lần (OTP), mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Tuyệt đối không chuyển tiền phí, nợ gốc, nợ lãi hoặc hoặc phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân; các khoản phí nếu có luôn được ngân hàng, công ty bảo hiểm yêu cầu nộp hoặc chuyển vào tài khoản của ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm.

Trong trường hợp nghi ngờ thông tin tài khoản bị đánh cắp hoặc phát sinh giao dịch gian lận, khách hàng cần ngay lập tức liên hệ đường dây nóng hoặc phòng giao dịch ngân hàng gần nhất. 

Ngoài ra, người dùng có thể tra cứu xem trang web và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo hay không thông qua tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) do Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cung cấp. 

Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Với tính năng tra cứu website lừa đảo, danh sách các website lừa đảo sẽ hiển thị trên hệ thống với các nội dung tên website, lĩnh vực lừa đảo (tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, báo chí, dịch vụ trực tuyến...), tình trạng xử lý (đã xử lý/đang xử lý/đang xác minh).

Ngoài tra cứu, người dùng có thể báo cáo các website, tài khoản lừa đảo ngay trên hệ thống. Sau khi cung cấp đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực sau đó được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cũng lưu ý website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn.".

 

Lê Phương (TTXVN)

Để World Cup vui tươi, bình an

Vòng chung kết Giải Bóng đá vô địch thế giới (World Cup 2022) đã chính thức khởi tranh, là khoảng thời gian đáng nhớ với người hâm mộ môn “thể thao vua”. Nhưng, lợi dụng sự kiện này, nạn cá độ vốn đã âm ỉ, vào dịp World Cup lại càng diễn ra phức tạp hơn. Đây là vấn đề an ninh trật tự cần quan tâm hiện nay.

Mới nhất, theo thông tin từ Bộ Công an, trong 2 ngày 15 và 16-11, đã có 2 đường dây cá độ bóng đá lớn bị triệt phá tại Đà Nẵng và Bắc Ninh với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng. Trước đó, ngày 4-11, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đánh sập đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh có quy mô hơn 6.000 tỷ đồng.

Điểm chung trong vụ án gần đây là các đường dây cá độ được hình thành bởi các đối tượng cầm đầu tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp. Đây thường là những đối tượng hình sự móc nối với “nhà cái” quản lý các trang web cá độ có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn công khai bằng tiếng Việt. Các đối tượng tội phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với cơ quan chức năng như: Lợi dụng sơ hở trong quản lý, kiểm soát không gian mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán để thực hiện hành vi phạm tội; sử dụng các thiết bị di động thông minh có kết nối mạng internet nhằm trao đổi thông tin, thực hiện hành vi phạm tội... Người chơi chỉ cần có các thiết bị kết nối Internet, đăng ký tài khoản thành viên, có tài khoản cá nhân tại ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản hoặc nạp tiền đánh bạc thông qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá cược. Nếu thua không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng các hình thức như bắt giữ người trái pháp luật, viết giấy ghi nợ, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ…

Cần nhắc lại rằng, cá độ là một hình thức đánh bạc. Ngoài các địa điểm được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tất cả hành vi đánh bạc còn lại đều bị xem là vi phạm pháp luật và tùy từng hành vi, mức độ có thể bị xử phạt hành chính, bị tịch thu số tiền sử dụng để cá độ hoặc khởi tố hình sự.

Mùa World Cup 2022 mới chỉ bắt đầu, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.

Các gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá. Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp điều tra xử lý.

Cùng với đó, lực lượng công an cần ưu tiên sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật cao để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá dịp World Cup 2022. Đặc biệt, lực lượng công an cơ sở cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bám sát biến động của các cơ sở cầm đồ, đối tượng hình sự… trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời... Mục tiêu cuối cùng là vì một mùa World Cup 2022 vui tươi và bình an cho các gia đình!

 

Theo HNM

Tổng kết công tác tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022

Ngày 23/11, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022; triển khai kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng thí điểm “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị” trên toàn quốc. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an. Đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên.

 

 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên


Thực hiện Kế hoạch số 333/KH-BCĐ ngày 30/6/2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương (Ban Chỉ đạo Trung ương), Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế để tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ngày hội) năm 2022. Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ban hành kế hoạch, tổ chức Ngày hội đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới Ngày hội, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. 
Về tổ chức Ngày hội, công an các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức Ngày hội bảo đảm phần lễ, phần hội với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Theo đó, phần lễ với các hoạt động gặp mặt, ôn lại truyền thống, biểu dương, trao thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, trao đổi kinh nghiệm, ký kết giao ước thi đua; phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian…  Cùng với đó, các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội ở cấp cơ sở. Toàn quốc có 5.813 điểm cấp cơ sở tổ chức Ngày hội, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cả nước có 28 điểm cấp cơ sở tổ chức Ngày hội có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương về dự, tặng quà các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại hội nghị, Bộ Công an đã triển khai Hướng dẫn số 21/HD-BCĐ ngày 4/11/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Quyết định số 7032/QĐ-BCA-V05 ngày 23/9/2022 của Bộ Công an về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025…
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn xác định bảo đảm an ninh, trật tự là một trong những nội dung quan trọng góp phần phát triển KT – XH của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 887 tổ tự quản về an ninh, trật tự; 11 tuyến đường, đoạn đường kiểu mẫu về trật tự an toàn giao thông; 72 cụm liên kết về an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh. Các mô hình này đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả, trở thành những điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hưng Yên chỉ đạo lực lượng Công an tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự…
Nhân dịp này, Bộ Công an tặng bằng khen cho 27 tập thể, 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tham mưu, tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022.

 


Hoàng Bền  

Ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết

Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước, từ ngày 15/11, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023. 
Sau hơn 1 tuần ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023, cùng với việc đẩy mạnh kiểm tra, lực lượng CSGT đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT như: Vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, lưu thông không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm... Lực lượng CSGT (Công an huyện Yên Mỹ) đã phát hiện, lập biên bản xử phạt gần 100 trường hợp vi phạm TTATGT, với tổng số tiền xử phạt gần 70 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Ngọc Sang, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Yên Mỹ) cho biết: Trong đợt cao điểm, đơn vị triển khai kiểm soát tất cả phương tiện, các lỗi vi phạm trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CSGT sẽ tiến hành kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện, người điều khiển… Đồng thời, sử dụng các loại thiết bị để ghi lại toàn bộ các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông (Công an huyện Yên Mỹ) thực thi nhiệm vụ


Trong đợt cao điểm này, các tổ công tác của phòng CSGT (Công an tỉnh) được bố trí tại nhiều tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như các tuyến: QL.5, ĐT.379, tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đây là những tuyến giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Tại các chốt kiểm tra, lực lượng CSGT tập trung xử lý nhóm lỗi vi phạm đối với các phương tiện vận tải hành khách, ô tô tải, xe container về lỗi dừng đỗ, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, vi phạm nồng độ cồn, ma tuý... Trên tuyến ĐT.379, sau khi dừng các phương tiện để kiểm tra, Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ số 2 (phòng CSGT, Công an tỉnh) đã phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm TTATGT với các lỗi như: Vi phạm tốc độ, không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe, xe chở hàng quá tải... Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản và nhắc nhở. 
Theo tổng hợp của phòng CSGT, sau hơn 1 tuần ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý gần 1 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT với các lỗi: Chạy quá tốc độ, vi phạm về tải trọng xe, nồng độ cồn… Qua ghi nhận của phóng viên, công tác ra quân, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt. Hầu hết các lái xe, chủ phương tiện qua các phương tiện thông tin đại chúng đã nắm bắt được kế hoạch ra quân tổng kiểm soát đối với các phương tiện cơ giới đường bộ lần này nên đã phối hợp với lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Anh Trần Đức Tuấn, thường trú tại thành phố Hưng Yên cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết lực lượng CSGT ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023. Tôi rất ủng hộ và thấy việc ra quân là rất cần thiết, vì hiện nay tình trạng vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Việc ra quân sẽ giúp cho người tham gia giao thông, nhất là những người lái xe như chúng tôi nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT. Bản thân tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho phương tiện lưu thông được an toàn.
Thượng tá Trần Công Quyền, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Đợt ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023 diễn ra từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện triệt để, duy trì thường xuyên, liên tục và triển khai quyết liệt, không để tái diễn hoạt động phức tạp về TTATGT, nhất là xe chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe, phương tiện thuỷ chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, tự ý hoán cải hoạt động trở lại trên tuyến, địa bàn quản lý.

 


Phạm Đăng

Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, buôn lậu xăng dầu

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12-10-2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

 

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên như hiện nay, các Bộ: Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.

 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của Bộ Công Thương có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

 

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu:

 

Chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

 

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.

 

Theo Hànộimới

Khai mạc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022

Ngày 28.9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh tổ chức khai mạc diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh năm 2022. Đến dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng Nguyễn Quang Cường, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3, Chính ủy Quân khu 3; Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 3, Trưởng ban Tổ chức diễn tập Quân khu 3 cùng đại biểu một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Đại biểu các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 3 có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

 

Các đại biểu dự khai mạc diễn tập KVPT tỉnh


Về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh, Trưởng ban Tổ chức diễn tập KVPT tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố…


Phát biểu khai mạc diễn tập, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh nhấn mạnh: Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Đảng, Nhà nước về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh; chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh. Cuộc diễn tập KVPT tỉnh năm 2022 diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh đã ra sức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Thông qua diễn tập nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức cho toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong tình hình mới. Tham gia diễn tập KVPT tỉnh lần này ngoài các sở, ban, ngành tỉnh còn có 2 huyện Yên Mỹ và Văn Giang với đề mục: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức chuyển lực lượng vũ trang vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, làm tốt công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ. 


Để cuộc diễn tập KVPT tỉnh năm 2022 thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu: Các lực lượng tham gia diễn tập cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc chỉ thị, kế hoạch, quy định về diễn tập; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khoa học, nội dung sát thực tế và ý định của Ban Chỉ đạo diễn tập Quân khu 3, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, bảo đảm cuộc diễn tập an toàn, hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng vũ trang tham gia diễn tập phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở phát huy tốt vai trò nòng cốt tham mưu của lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ diễn tập đạt kết quả cao nhất…


Sau khai mạc diễn tập KVPT tỉnh năm 2022 là các nội dung hành động của khung diễn tập gồm: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (mở rộng) ra Nghị quyết lãnh đạo chuyển địa phương vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng; hội nghị Ban Chỉ huy trạng thái khẩn cấp về quốc phòng triển khai các biện pháp chuyển địa phương vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng; Đảng ủy Công an tỉnh thông qua kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội điều chỉnh trong trạng thái khẩn cấp về quốc phòng…  


Diễn tập KVPT tỉnh năm 2022 diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30.9.

 


Hoàng Bền

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm