Tìm kiếm

Khác

Khác

Phòng, tránh suy dinh dưỡng béo phì và thừa cân ở trẻ

Suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân hiện nay là vấn đề phổ biến ở các vùng đô thị và nông thôn. Vì vậy, cần có dự phòng thừa cân và béo phì một cách chủ động thông qua các hoạt động giáo dục, tư vấn và hướng dẫn ăn uống.
Theo số liệu điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân ở trẻ em trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân chiếm 10,8%, năm 2021 chiếm 9,5% trong số trẻ dưới 5 tuổi. Theo bác sĩ Phạm Thị Phương, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), nếu như trước đây chủ yếu là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, thì hiện nay suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân trở thành gánh nặng dinh dưỡng không kém phần phức tạp và nan giải. Trẻ em béo phì và thừa cân có nguy cơ mắc nhiều bệnh, đặc biệt bệnh mãn tính khi ở tuổi trưởng thành hoặc dễ tiến triển nặng khi mắc bệnh.

 

 


Qua kết quả giám sát dinh dưỡng tại cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, các gia đình đều quan tâm chăm sóc trẻ, nhưng nhiều gia đình chăm sóc chưa thực sự đúng cách, nghiêng về các thực phẩm giàu chất đạm trong khẩu phần ăn của trẻ dẫn đến thiếu hụt vi chất do không cân đối. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết, “con tôi rất thích ăn các món rán, uống nước có ga. Hiện nay có nhiều thực phẩm chế biến sẵn mà trẻ rất thích, dễ mua, có thể ăn bất cứ lúc nào, như: Gà rán, xúc xích, thịt nướng, trà sữa, các loại nước có ga, bánh kẹo… Tôi thường chiều theo sở thích của con nên cũng ít ép ăn rau, củ”. Nhiều người vẫn giữ quan niệm béo là khỏe, muốn con cháu phải bụ bẫm. Theo bà Trần Thị Tình, ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), trẻ phải được ăn nhiều thịt, cá thì mới to khỏe, béo tốt. Vì vậy, trong bữa ăn, bà Tình ép cháu ăn thịt, cá hơn mà ít khuyến khích ăn, rau, củ, quả. Bác sĩ Phạm Thị Phương giải thích, trẻ béo phì và thừa cân dễ bị thiếu hụt can xi là vì khi ăn nhiều thịt, thận phải làm việc nhiều, như vậy sẽ đào thải nhiều can xi. 
Nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ những trẻ gầy còm mới biếng ăn mới là suy dinh dưỡng mà chưa hiểu được béo phì và thừa cân cũng là một thể suy dinh dưỡng. Trẻ béo phì thường chỉ thích ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng (chất béo, chất đường, tinh bột, đạm). Ngược lại, những trẻ này ít thích ăn các thực phẩm giàu vi chất quan trọng như sắt, kẽm, can xi, phốt pho, các vitamin và khoáng vi lượng... Hậu quả là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng dẫn đến béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân dẫn đến trẻ béo phì, thừa cân do gen di truyền chiếm khoảng 23%, còn lại do các nguyên nhân về chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, hợp lý; thiếu hoạt động thể chất; một số rối loạn gen hiếm gặp gây béo phì nghiêm trọng ở trẻ...
Để phòng, tránh béo phì, thừa cân cho trẻ, theo bác sĩ Phạm Thị Phương, cần cho trẻ ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản; ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt; giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ; nên uống sữa không đường hoặc ít đường; hạn chế các món rán, xào, nên ưu tiên các món luộc, hấp, kho; ăn đều đặn, đúng giờ, ăn đủ 3 bữa, nên cho trẻ ăn trước 20 giờ; không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga, hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem; tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi lâu một chỗ; theo dõi cân nặng và chiều cao định kỳ của trẻ; cho trẻ ngủ sớm (nên ngủ trước 22 giờ) và ngủ đủ giấc…

 


Đào Doan

Hưng Yên: Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia.

Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia.

Để bảo đảm đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng thay thế các thuốc cùng hoạt chất đã trúng thầu. Trong trường hợp có nhu cầu trên 20% số lượng thuốc được phân bổ, các đơn vị thực hiện điều tiết thuốc trúng thầu theo quy định của Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia. 
Chủ động mua sắm thuốc đối với các mặt hàng thuốc mà Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia không tổ chức lựa chọn nhà thầu và các mặt hàng thuốc chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc mua sắm thực hiện theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11.7.2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

 


PV

Ảnh hưởng của bão số 4, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ nhiều nơi mưa to

Bắc Bộ hôm nay (28-9) trời nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác. Khu vực đồng bằng và ven biển chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 nên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp.

 

 

 

Theo Hànộimới

Bão số 4 đi vào Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng sớm nay (26/9), bão Noru đã vượt qua khu vực phía nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14.

 

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 4. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 4. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

 

Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 119,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây đảo Luzon (Philippines), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

 

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 111,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.

 

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 118,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

 

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 29/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ vĩ bắc; 105,6 độ kinh đông, trên khu vực trên khu vực phía Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

 

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20-25km/ giờ, suy yếu và tan dần.

 

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía nam khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

 

Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.

 

Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.

 

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ gần sáng 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

 

 

Theo Báo Nhân dân

Hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hưng Yên năm 2022

Ngày 21.9, Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố Hưng Yên tổ chức hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hưng Yên năm 2022. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15.10.1930 – 15.10.2022).
Tham dự hội thi có 21 đội đến từ các phường, xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Hội thi có 3 phần gồm: chào hỏi, kiến thức chung, tiểu phẩm. Các đội tham gia thi trình bày hiểu biết của mình về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; chức năng nhiệm vụ của tổ chức dân vận và cán bộ làm công tác dân vận; khả năng xử lý các tình huống thực tiễn trong công tác dân vận... Đồng thời đem đến nhiều tiểu phẩm hay, ý nghĩa, với nội dung dân vận thiết thực như: Chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng; giữ gìn an ninh trật tự; chung tay xây dựng đô thị văn minh… Các thí sinh đã thể hiện một cách sinh động khả năng vận động và xử lý các tình huống xảy ra trong thực tiễn của người làm công tác dân vận.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải cho các đội thi có phần thi xuất sắc, sáng tạo.
 

 

Vi Ngoan

Những lời khuyên trong việc nuôi dạy con cái mà bạn nên biết

Nuôi dạy và thấu hiểu một đứa trẻ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với cha mẹ. Tuy nhiên, trang bị cho bản thân những kiến thức và kinh nghiệm sẽ giúp bạn có được hành trang vững bền, giúp con xây dựng được sự tự tin và hiểu giá trị của bản thân khi chúng trưởng thành.

 

 

 

1. Tôn trọng những giọt nước mắt của con 
 
Nếu bạn nói với trẻ rằng trẻ nên ngừng khóc, thì trẻ có thể sẽ càng khóc nhiều hơn và nghĩ rằng mình phải ổn bằng cách ép buộc, khiến chúng hình thành sự thiếu tự tin và lo lắng về lâu dài.
Khi con khóc, điều quan trọng là phải cho chúng biết rằng nỗi đau mà chúng đang trải qua đã được chấp nhận. Khóc là một biểu hiện của cảm xúc và nếu cha mẹ bỏ mặc cảm xúc của con, điều này có thể hủy hoại sự tự tin của trẻ. Chảy nước mắt không phải là một điều xấu hay điều gì đó đáng xấu hổ, mà là một sự việc đáng được trân trọng và tôn vinh.
2. Cho con thấy sự đồng cảm 
 
Con sẽ trở thành người không tốt nếu chúng không cảm thấy đồng cảm với người khác. Chúng cảm nhận theo cách bạn nhìn thấy chúng, và cư xử theo cách bạn cư xử với chúng.
Trẻ em không thể tự mình đưa ra các quyết định thông minh, và đó là lý do tại sao cha mẹ nên vào cuộc để hướng dẫn chúng. Bạn có thể cho trẻ thấy sự đồng cảm có ý nghĩa như thế nào, khi chính bạn thể hiện sự đồng cảm với chúng trong những tình huống khó khăn này. Điều quan trọng là phải nhất quán với điều này để con hiểu, vì điều đó không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
3. Thay đổi phản ứng để giúp con trở nên tự tin hơn
 
Cách tốt nhất để dạy con trở nên tự tin là cho chúng thấy tầm quan trọng về cảm giác của chính mình hơn là những gì người khác nghĩ. Hình ảnh cơ thể tích cực đến từ bên trong, không phải "bên ngoài".
Không phải là một điều xấu khi nói "Trông con thật tuyệt" để đáp lại bộ trang phục mới của con, vì điều này có thể làm giảm sự lo lắng của chúng vào lúc ấy, nhưng về lâu dài thì không hẳn. Đôi khi, thay đổi câu trả lời có thể khiến con bạn nghĩ, 'Con cảm thấy tốt hơn khi mặc bộ đồ kia". Điều này khiến đứa trẻ phát triển được cảm xúc của riêng chúng về bản thân, thay vì lắng nghe người khác.
4. Thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu khi con nói dối
 
Có vẻ như đây là hành động không tôn trọng, nhưng điều quan trọng là bạn phải kiềm chế cảm xúc của chính mình và tập trung sự chú ý vào cảm xúc của con. Trẻ em có thể nói dối để chúng có thể bảo vệ mối quan hệ của chúng với bạn. Ngoài ra, chúng có thể nói dối bạn vì sợ hãi khi biết hậu quả của việc bị mắng. Tuy nhiên, nếu bạn hành động với sự quan tâm và thấu hiểu, thì mỗi lần như vậy con sẽ thành thật mà nói ra.
5. Phản ứng theo cách tò mò khi con nói điều gì đó có ý nghĩa
 
Việc con bạn nói những điều có ý nghĩa về các thành viên trong gia đình hoặc thỉnh thoảng trêu đùa bạn bè là điều bình thường - và điều quan trọng là bạn cần phải phản ứng với điều này theo cách đúng đắn, để con có thể xây dựng quy định và cư xử tốt hơn.
6. Một lời thì thầm đôi khi có thể tốt hơn một lời nói
 
Luôn có mặt và tạo sự kết nối là điều cần thiết đối với sức khỏe của con. Điều này không có nghĩa là bạn phải cố gắng làm hài lòng chúng, chẳng hạn như đi bộ đến công viên trong thời tiết lạnh giá hoặc giải câu đố yêu thích cả ngày. Một lời thì thầm ngọt ngào và đơn giản có thể cho con thấy con chính là người đặc biệt đối với bạn.
Sự kết nối với con có thể dẫn đến hành vi và sự thống nhất tốt hơn trong thời điểm này, đồng thời cải thiện khả năng điều tiết và sự tự tin cho tương lai.
7. Trẻ em cần cha mẹ hiểu mình
 
Khi con bạn cảm thấy cô đơn và bối rối về môi trường xung quanh, điều đó có thể gây ra tổn thương về hành vi và rối loạn điều chỉnh. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn phải cho con biết khi nào mọi thứ xung quanh chúng đang thay đổi.
Bạn không cần phải nói cụ thể mọi thứ với con, mà chỉ cần nói ra để "xác thực nhận thức của chúng, sau đó chia sẻ thông tin chi tiết dựa trên độ tuổi". Điều này có thể làm cho con cảm thấy an toàn về mặt tình cảm dù đang ở trong hoàn cảnh khó chịu.
8. Sử dụng các từ ngữ khác nhau để chúc mừng con 
 
Trong một số trường hợp, "cách làm" sẽ quan trọng hơn "kết quả" đã hoàn thành. Khi bạn bày tỏ sự quan tâm đến quá trình tinh thần của con mình, chúng sẽ trở thành chủ đề chính của cuộc trò chuyện. Điều này có thể làm cho con cảm thấy bản thân thật xứng đáng, và điều này cũng làm tăng sự tự tin cho chúng.
Nếu bạn nói "Công việc thật tuyệt vời!", có thể khiến con cảm thấy rằng trọng tâm chính mà bạn quan tâm là công việc của chúng, chứ không phải chúng. Điều này có thể làm giảm sự tự tin của con và gây ra sự bất an./.
CTV Bảo Linh/VOV.VN

Lịch công bố điểm chuẩn của các trường đại học

Các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển trong khoảng thời gian từ sau 17h ngày 15/9 đến trước 17h ngày 17/9.
Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT bắt đầu chạy lọc ảo từ ngày 10/9 và trả về kết quả xử lý nguyện vọng lần 1. Đến ngày 15/9, sau 6 ngày thực hiện quy trình thì các trường sẽ nhận được kết quả chính thức.
 

 

Trước 17h ngày 17/9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh đợt bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo./.

 

Theo VOV

Bổ sung dinh dưỡng thế nào để trẻ khỏe mạnh đến trường?

Để trẻ khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng khi trở lại trường học trong mùa dịch, cha mẹ cần chú ý bổ sung những chất nào cho trẻ?
 

Trẻ đi học cần đảm bảo sức khỏe, sức đề kháng chống lại dịch bệnh. Ảnh: CT

Mùa tựu trường đã bắt đầu, trong điều kiện đang có nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng như: COVID-19 diễn biến phức tạp, dịch cúm A, tay chân miệng… việc bổ sung dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật là rất quan trọng.
TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Việc chuẩn bị cho trẻ sức khỏe tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng như tấm lá chắn bảo vệ, tăng sức đề kháng cho trẻ khi năm học mới đang đến gần. Nếu không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất, trẻ bị suy giảm đề kháng, trẻ dễ mắc bệnh, mệt mỏi, thiếu tập trung, cáu gắt... có thể ảnh hưởng lớn đến học tập.
Theo đó, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ nhân đôi nhân ba khi trẻ học tập nhiều hơn, phải thức khuya học bài và phải dậy sớm đến trường. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng rất quan trọng để trẻ bù đắp vào năng lượng bị tiêu hao và đủ năng lượng cho một ngày dài học tập. Cha mẹ cần đảm bảo đầy đủ các bữa trong ngày cho trẻ với các nhóm chất như: Chất đạm, đường để duy trì năng lượng; đủ các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, tăng tập trung và tư duy cho trẻ.
Đặc biệt trong số các nhóm chất, sắt và kẽm có vai trò rất quan trọng với hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2019 – 2020, toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt.
Tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam nhất là trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang tồn tại ở mức cao. Tỷ lệ trẻ thiếu kẽm cũng còn ở mức cao trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và là đối tượng rất dễ bị tổn thương.
Theo TS.BS Phan Bích Nga, nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100%. Tuy nhiên, thực tế, khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5- 15%, kẽm từ 10 - 30%.
Đặc biệt đối với trẻ sau khi bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, cha mẹ cũng nên bổ sung sắt và kẽm cho trẻ. Việc bổ sung có thể bằng cách tăng cường các thực phẩm có chứa các chất này, hoặc sử dụng các sản phẩm bổ sung có hàm lượng sắt và kẽm; nhất là có thành phần từ hữu cơ, tỷ lệ sắt và kẽm cần ngang bằng với tỷ lệ 1:1 sẽ dễ hấp thu hiệu quả hơn.

 

Theo Báo tin tức

Hân hoan chào đón năm học mới

Hòa chung không khí tươi vui đón chào năm học mới trên mọi miền Tổ quốc, sáng ngày 5.9, trên 360 nghìn học sinh tỉnh Hưng Yên nô nức chào đón năm học mới 2022-2023. Tiếng trống khai trường thúc giục các thầy giáo, cô giáo và học sinh bước vào một năm học mới với niềm phấn khởi, kỳ vọng thành công mới.


Chưa khi nào thầy, cô, học sinh lại cảm thấy nhớ trường, nhớ lớp đến vậy. Bởi lẽ trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, 2 năm học vừa qua, việc dạy và học của các nhà trường bị gián đoạn. Vì thế, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi) không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi trang trí sân khấu, trường lớp để chuẩn bị lễ khai giảng năm học 2022-2023. Thầy giáo Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Sau 2 năm việc dạy và học bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm nay, nhà trường chuẩn bị rất chu đáo lễ khai giảng năm học mới nhằm tạo không khí hân hoan cho các thầy, cô giáo và học sinh ngay từ những ngày đầu tựu trường. Lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, ngắn gọn nhưng sẽ nêu bật được ý nghĩa của ngày khai trường, tạo nguồn hứng khởi, năng lượng và để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi học sinh. Năm học 2022-2023, thầy và trò nhà trường quyết tâm hoàn thành mục tiêu dạy và học, đặc biệt là thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 ngay từ năm đầu triển khai.

Học sinh Trường tiểu học Xuân Quan (Văn Giang) chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2022-2023


Tại Trường tiểu học Nguyên Hòa (Phù Cừ), vào những ngày đầu tháng 9, không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị cho ngày khai giảng đang ngập tràn trên từng khuôn mặt mỗi học sinh và các thầy, cô giáo. Quanh trường, mùi vôi còn phảng phất, những chậu hoa, cây cảnh, tranh ảnh đang được chọn vị trí thích hợp để treo lên chuẩn bị cho một ngày khai giảng tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Em Trần Thị Hồng Thắm, học sinh lớp 5A chia sẻ: Năm nay, em được học trong phòng học mới, rất rộng rãi, có bàn ghế mới. Em rất vui và hạnh phúc khi cùng các bạn trang trí phòng học thật đẹp để đón chào năm học mới. Được biết, đầu tháng 8.2022, Trường tiểu học Nguyên Hòa được bàn giao và đưa vào sử dụng một dãy nhà 3 tầng gồm 9 phòng học và 1 nhà đa năng với kinh phí xây dựng trên 20 tỷ đồng. Cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, hiện đại là nguồn cổ vũ, động viên thầy và trò nhà trường quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt trong năm học mới.


Trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được tinh thần hồ hởi, tràn đầy niềm hy vọng của thầy giáo, cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh về năm học mới. Những ngày đầu năm học, các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Đức Cường ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) đã chủ động chuẩn bị đồ dùng học tập cho bé Đức Anh vào lớp 1. Anh Cường tâm sự: Một chút lo lắng khi con bắt đầu vào môi trường học tập mới nhưng tôi tin rằng, với sự chuẩn bị tâm lý cho con, cùng con đi mua sắm đồ dùng học tập, chuẩn bị góc học tập ở nhà và sự yêu thương của cô giáo sẽ giúp con tự tin khi đến trường. 

Học sinh Trường tiểu học Tống Trân (Phù Cừ) sẵn sàng cho năm học mới


Những ngày trước khai giảng, em Trần Thùy Linh ở xã Giai Phạm (Yên Mỹ) rất phấn khởi vì được bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp điện mới. Đây cũng là phần thưởng khi em thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Yên Mỹ (Yên Mỹ) với số điểm cao. Em Trần Thùy Linh cho biết, dù phải đi học xa hơn năm học trước nhưng em rất vui vì được bố, mẹ động viên kịp thời. Chiếc xe đạp và sách vở, quần áo mới chính là món quà đầu năm thể hiện sự quan tâm của gia đình đối với em. Do vậy, trong năm học mới, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để duy trì thành tích học sinh giỏi trong suốt 9 năm học qua.


Trải qua một năm học đầy khó khăn vất vả song cũng ngập tràn niềm vui thắng lợi, các thầy, cô giáo cùng các học sinh và các bậc phụ huynh học sinh, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo lại tập trung chuẩn bị cho một năm học mới. Không khí rộn ràng chuẩn bị bước vào năm học mới  lan tỏa từ thành thị đến nông thôn.  Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện tốt nhất. Trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp lại trường, lớp học bảo đảm tinh gọn, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tiến hành tu sửa, nâng cấp khuôn viên, trường, lớp; bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, phòng học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng chí Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và hạnh phúc. Coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong, ý thức trách nhiệm xã hội, giáo dục thể chất và giáo dục pháp luật cho học sinh... 


Tiếng trống khai trường đã điểm, một năm học mới bắt đầu trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò các trường học trong tỉnh. Niềm vui, niềm phấn khởi đón chào năm học mới như tiếp thêm sức mạnh để không chỉ các thầy, cô giáo, các em học sinh mà mọi nhà, mọi người và toàn xã hội càng thêm quyết tâm phấn đấu cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, cho các thế hệ tương lai của đất nước.

 


Vũ Huế

Để nghỉ lễ vui tươi, an toàn

Từ ngày mai (1-9), cả nước bước vào đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, kéo dài 4 ngày (từ 1 đến 4-9). Trong thời gian này, dự báo các khu vui chơi giải trí, điểm du lịch sẽ tăng lượng khách đáng kể. Do vậy, việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

 

Thực tế những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 liên tục ghi nhận ở mức cao; trong đó, nhiều ngày có số ca mắc trên 3.000 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 24-8, ghi nhận gần 3.600 ca mắc Covid-19, cao nhất tính trong ngày từ hơn 3 tháng qua. Vấn đề đáng quan tâm nữa là số người nhập viện và trở nặng phải thở ô xy vì Covid-19 cũng có dấu hiệu tăng lên; trong đó có nhiều người chưa hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19. Điều đáng buồn hơn là những ngày qua cũng liên tục ghi nhận ca tử vong vì Covid-19. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa giảm, thì các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… vẫn lưu hành và theo chiều hướng khó lường. Chưa kể, những dịch bệnh mới xuất hiện và nguy hiểm như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính… cũng có nguy cơ xâm nhập.

 

Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh như trên, trong mọi hoàn cảnh, toàn bộ hệ thống chính trị và mỗi người dân, từng cộng đồng dân cư phải luôn nâng cao ý thức cảnh giác, đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, ở mọi lúc, mọi nơi.

 

Trong những dịp nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí sẽ sôi động và thu hút nhiều người hơn. Do đó, mỗi người dân càng phải có ý thức trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh, bao gồm nguyên tắc “2K” là đeo khẩu trang và tiến hành khử khuẩn thường xuyên. Đồng thời, luôn giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng, bảo đảm nơi cư trú sạch sẽ, thông thoáng; phê phán mạnh mẽ những hành vi thiếu ý thức, xả rác bừa bãi nơi công cộng…

 

Đặc biệt, dù là trong những ngày nghỉ lễ nhưng việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn phải được thực hiện nghiêm túc, đúng lịch và đúng mũi tiêm. Trong đó, phải đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin với đối tượng là trẻ em từ 5 tuổi trở lên để bảo đảm sẵn sàng cho các em bước vào năm học mới an toàn; tiếp đến là những đối tượng nhiều nguy cơ về sức khỏe như người già, người có bệnh nền… Đối với các cơ sở y tế, cần tăng cường tuân thủ thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong công tác khám, chữa bệnh; áp dụng phòng ngừa lây nhiễm qua “tiếp xúc” và “giọt bắn” khi chăm sóc các trường hợp bệnh dịch xác định và bệnh nghi ngờ. Mặt khác, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm những kế hoạch phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ với tinh thần chu đáo; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, thuốc men, vật tư tiêu hao… để sẵn sàng trong mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Ở góc độ các cơ quan chức năng và địa phương, nhất là ở các cửa khẩu, cảng hàng không, cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh khác có thể xâm nhập. Riêng với bệnh đậu mùa khỉ, nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm, cần khẩn trương sàng lọc người nhiễm, nghi ngờ nhiễm bệnh, điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần nhằm theo dõi, quản lý và tư vấn cách tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn...

 

Mỗi người dân có ý thức chung tay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng chính là góp phần để những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vui tươi, an toàn.

 

 

Theo Hànộimới

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm