Tìm kiếm

Vệ sinh môi trường

Vệ sinh môi trường

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xử lý triệt để 4/7 cơ sở.
 

Các hộ tái chế nhựa ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) chuyển nhà xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai

Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị chức năng và các địa phương để vừa xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vừa ngăn chặn, phòng ngừa những điểm ô nhiễm môi trường mới phát sinh. Sở tăng cường thực hiện và phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường; đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác môi trường ở các địa phương; thống kê các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. 


Theo đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường gồm: Bãi rác An Vũ (thành phố Hưng Yên); Bệnh viện Đa khoa tỉnh; làng nghề thuộc da Liêu Xá (Yên Mỹ); làng nghề sản xuất bột dong riềng (Khoái Châu). Những cơ sở đang tiếp tục được xử lý gồm: Làng nghề tái chế chì tại xã Chỉ Đạo (Văn Lâm), làng nghề tái chế nhựa Minh Khai tại thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) và Cơ sở Điều trị nghiện ma túy (Ân Thi).


Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, yêu cầu đặt ra là phải xử lý được nước thải và rác thải y tế. Năm 2003, bệnh viện đã đưa vào vận hành lò đốt chất thải rắn, vận hành đốt chất thải định kỳ. Bên cạnh đó, chất thải y tế nguy hại được thu gom riêng và có hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị chuyên môn. Năm 2008, bệnh viện được đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý nước thải y tế với kinh phí 3,2 tỷ đồng. Sau khi các công trình xử lý nước thải, chất thải được đưa vào vận hành hiệu quả, bệnh viện đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục duy trì tốt các công trình bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại rác thải y tế và xử lý đúng quy định, điều kiện môi trường ngày càng được cải thiện.


Tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm), nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là do việc tái chế phế liệu nhựa của hàng trăm hộ làm nghề. Tại thôn Minh Khai, thường xuyên có trên 700 hộ dân tham gia tái chế nhựa, hoạt động sản xuất thô sơ đã phát sinh nhiều rác thải, nước thải và khí thải. Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây, yêu cầu đặt ra là phải xử lý được rác thải và nước thải. 


Từ năm 2008, Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai đã được xây dựng nhằm đưa các hộ sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất trong cụm công nghiệp, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và giai đoạn 2, thu hút trên 200 cơ sở, hộ sản xuất đi vào hoạt động. Đồng thời, huyện xử lý hơn 50 cơ sở, hộ sản xuất có nhà xưởng vi phạm về đất đai, hành lang giao thông, thủy lợi. 


Qua theo dõi, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với làng nghề tái chế chì tại xã Chỉ Đạo (Văn Lâm), mặc dù đã hoàn thành việc di dời 100% số hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư, tuy nhiên làng nghề vẫn chưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chưa xử lý triệt để được một số vị trí có đất bị nhiễm chì. Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai vẫn còn nhiều hộ sản xuất khác tiếp tục hoạt động trong khu dân cư, khiến làng nghề chưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, mặc dù đã lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Tuy nhiên, cơ sở chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn y tế.


Để sớm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm tại các cơ sở nêu trên, trong đó tập trung xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất, tái chế nhựa trong khu dân cư tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai; xử lý triệt để diện tích vườn bị ô nhiễm chì khoảng 3,2ha thuộc 195 hộ và 7 khu vực công cộng vẫn đang bị ô nhiễm chì tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm); sớm xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh. 


Ngày 5.4.2022, UBND tỉnh đã có Thông báo số 103/TB-UBND về việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh. Trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng cấp Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh để bảo đảm hiệu quả hoạt động và hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giao Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh làm chủ đầu tư dự án.


Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các biện pháp xử lý, khắc phục nhằm xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ngay khi phát sinh, từ đó ngăn chặn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 


Vi Ngoan

Chung tay phòng, chống rác thải nhựa

Trên địa bàn tỉnh, rác thải nhựa hiện nay chỉ có thể xử lý bằng hai cách là chôn lấp và đốt tại các đơn vị chuyên môn. Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, phải mất hàng trăm năm, thậm chí, hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Nếu không được xử lý đúng cách, việc đốt rác nhựa tự phát ngoài môi trường sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 
 

 
Xử lý rác thải nhựa bằng lò đốt chuyên dụng ở xã Đại Đồng (Văn Lâm)
 

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, lượng rác thải nhựa và túi nilon đang chiếm khoảng 5 - 10% tổng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, ở nhiều khu vực tỷ lệ này lên tới 30%. 


Để xử lý rác thải nhựa hiệu quả, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đốt rác thải sinh hoạt bằng lò chuyên dụng là Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 11 (xã Đại Đồng, Văn Lâm) và lò đốt rác tại phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào (thuộc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt chuyên dụng chỉ chiếm khoảng 20 - 25% so với tổng lượng rác thải phát sinh trong toàn tỉnh. Rác thải nhựa lẫn với các loại rác sinh hoạt khác, phần lớn được tập kết tại bãi rác, điểm tập kết rác thải sinh hoạt của các địa phương, bị đốt tự phát gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe người dân.


Để phòng, chống rác thải nhựa, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng nhựa dùng một lần; túi nilon khó phân hủy; ngày 6.10.2020, UBND tỉnh có Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngày 14.4.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 858/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán Đề án Nói không với rác thải nhựa và túi nilon tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.


Hoạt động nổi bật ở các địa phương trong tỉnh hiện nay là các mô hình tự phân loại rác thải nhựa, tái chế rác thải nhựa để giảm phát thải ra môi trường. Trong tỉnh đã thành lập được 24 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” và 141 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, mỗi câu lạc bộ thu hút từ 50 đến 70 thành viên tham gia. 


Thực tế tại phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên), nơi mới thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”, chỉ sau vài tháng ra mắt, câu lạc bộ đã thu được kết quả tích cực. 50 thành viên của câu lạc bộ đều hăng hái thực hành hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, đời sống. Hoạt động từ tháng 5.2022, mỗi tháng, câu lạc bộ thu gom được hàng chục kg rác nhựa có thể tái chế, số tiền bán rác nhựa được dùng để giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn trong phường. 


Tại Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên, 100% công nhân thu gom rác có túi đựng rác tái chế mỗi khi đi thu gom rác thải sinh hoạt. Các loại rác nhựa, vỏ lon, đồ nhựa cũ hỏng… đều được thu gom riêng để tái chế. Theo ước tính của công ty, mỗi ngày, các công nhân loại bớt được hàng chục kg rác nhựa, giảm phát sinh ra bãi rác của thành phố. Cùng với đó, công ty đang duy trì hiệu quả tổ nhặt rác ở các dải phân cách nội thành bằng xe đạp, có sọt chuyên dụng để nhặt rác. Rác thải nhựa có thể tái chế đều được để riêng, chuyển đến cho các đầu mối thu gom tái chế, chỉ những loại không thể tái chế mới đưa ra bãi rác.


Được biết, trên địa bàn tỉnh có trên 60 cơ quan, đơn vị đã ký cam kết tham gia phong trào chống rác thải nhựa. Nhiều cơ quan, hội, đoàn thể đã triển khai hiệu quả các hoạt động cụ thể như: Nói không với túi ni lon và sản phẩm nhựa dùng một lần; phát túi vải, làn đi chợ cho đoàn viên, hội viên; thu gom phế liệu nhựa để tái chế…


Để chung tay phòng, chống rác thải nhựa, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, mỗi người dân cần xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy; hạn chế tối đa sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng các sản phẩm ít bao bì hoặc bao bì có thể tái chế; không vứt rác nhựa bừa bãi hoặc đốt rác nhựa tự phát; hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nguồn… 


Hành động nhỏ của mỗi cá nhân, gia đình sẽ mang lại lợi ích to lớn, bền vững cho môi trường và cộng đồng.


Vi Ngoan

Hưng Yên: Nhếch nhác rác thải ven đê

Hiện nay, dọc tuyến đê sông Hồng, sông Luộc xuất hiện tình trạng nhiều rác thải, túi ni lông vương vãi. Tại một số khu vực, người dân còn tự ý đổ phế thải xây dựng như: vôi, vữa, gạch vỡ ra ven đê trông rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khu vực xung quanh. Vứt rác bừa bãi ra đê không chỉ làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường mà còn là hành vi vi phạm Luật Đê điều, gây nhiều ẩn họa tới an toàn đê. Đề nghị các địa phương liên quan xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
 

 
Bao tải rác, túi ni lông vứt bừa bãi trên đê
 

Vinh Phúc 

Thành phố Hưng Yên triển khai mô hình điểm “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng không rác”

Ngày 25.4, Ban chỉ đạo Chương trình số 10 của Thành ủy Hưng Yên tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng không rác” tại phường Lam Sơn. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Huy Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hưng Yên.
 

 
Trao tặng thùng rác 2 ngăn cho các gia đình tại Khu phố Kim Đằng (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên)
 

Đây là một hoạt động nằm trong Chương trình số 10-Ctr/TU ngày 20.1.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hưng Yên về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025” (Chương trình số 10). 


Hội nghị đã triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo Chương trình số 10 về thực hiện mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng không rác”. Trong đó tập trung tuyên truyền để Nhân dân nâng cao ý thức tự giác về bảo vệ môi trường, vận động các gia đình thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và chủ động thu gom rác thải góp phần giữ vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hưng Yên có 50% số thôn, khu phố xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng không rác”.


Hội nghị dành thời gian để tuyên truyền cho các gia đình về cách thức thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; trao tặng thùng rác 2 ngăn vô cơ và hữu cơ cho đại diện các gia đình của khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn. 


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Hưng Yên Phạm Huy Bình yêu cầu, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cần được thực hiện từ những điều nhỏ nhất trong mỗi gia đình trên địa bàn thành phố. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền Chương trình số 10 của Thành ủy, tăng cường hướng dẫn người dân đổ rác đúng giờ, đúng quy định và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, cách làm hay trong thực hiện Chương trình số 10, góp phần xây dựng thành phố Hưng Yên thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, sạch đẹp.


Vi Ngoan

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Công Chanh thăm, tặng quà công nhân công ty TNHH MTV Môi trường và công trình đô thị Hưng Yên thực hiện nhiệm vụ đêm gia thừa

Nhằm động viên lực lượng thực hiện nhiệm vụ góp phần cho nhân dân vui xuân đón tết, tối ngày 31/1 ( t ức 29 tết ) đồng chí Lương Công Chanh – Phó Bí thư Thường trực thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã cùng đoàn đi thăm, động viên, tặng quà công nhân đội vệ sinh môi trường của công ty TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị Hưng Yên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Cùng đi với đoàn còn có lãnh đạo Liên đoàn lao động thành phố.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực thành ủy – Lương Công Chanh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và điều kiện làm việc của những người công nhân đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu gom rác thải trên các tuyến đường trong đêm giao thừa, đồng chí ghi nhận những đóng góp của đội vệ sinh môi trường - công ty  TNHH một thành viên Môi trường và công trình đô thị Hưng Yên trong công tác đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đồng thời trao tặng 20 xuất quà với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng cho 20 công nhân. Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chia sẻ với những vất vả mà anh, chị em công nhân đang thực hiện để góp phần giữ cho môi trường thành phố luôn sáng, xanh, sạch đẹp trong những ngày tết. Nhân dịp năm mới, đồng chí chúc anh, chị, em công nhân và gia đình đón năm mới vui vẻ, hạnh phúc, anh khang, thịnh vượng./.

   Hồng Thái – Công Hiếu(Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh thành phố)

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố tổ chức trục vớt 15 tấn bèo rác phục vụ tiêu thoát nước

Thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Năm 2021, trong 2 ngày 27 và 28/4 xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố tổ chức ra quân trục vớt bèo rác trên các tuyến sông trục chính với tổng khối lượng khoảng 15 tấn bèo, rác thải phục vụ công tác tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.

Khoảng 15 tấn bèo, rác thải trên các sông trục lớn trôi về các cửa cống, bể hút thuộc các tuyến chính như: sông Cửa Càn – Cống Vân; sông Sào Sáu – Liên Phương; sông Hòa Bình – Trung Nghĩa; sông Đống Lỗ - Bảo Khê và các cửa cống, bể hút các trạm bơm với tổng chiều dài khoảng 2,5 km đã được công nhân của xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố trục vớt, xử lý sạch sẽ làm cho hệ thống  sông trục, kênh dẫn trên địa bàn TP cơ bản thông thoáng đảm bảo tiêu thoát nước. Qua đó góp phần thực hiện công tác phòng chống úng cũng như giữ gìn VSMT và đảm bảo cảnh quan đô thị dịp lễ  30/4 và 1/5 trên địa bàn thành phố.

Một số hình ảnh tại buổi ra quân

Hồng Thái ( Đài Truyền thanh thành phố)

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG

Thông tin tuyên truyền Xem thêm